THĂM QUÊ

Kiều Công Cự

Trong “Thế vì Khai sinh” của tôi đề ngày 18/6/1942, nghĩa là cho đến bây giờ tôi chưa đủ cái tuổi “ thất thập cổ lai hi ”; nhưng sự thật , theo lời Mẹ tôi, thì tôi sinh vào năm Tân Tỵ (1941), nghĩa là tôi đã quá 70 tuổi rồi. Dầu sao cũng cảm thấy mệt mỏi với những ngày làm việc, nên tôi quyết định “ngưng ở đây và xin nghỉ hưu”. Đơn của tôi được chấp thuận khá dễ dàng và hảng đã cho người thay thế tôi trong ngày làm việc sau cùng của tháng 12/2011. Chỗ của tôi làm cũng tổ chức một buổi tiệc chia tay khá cảm động. Tôi nói lời từ giã và bắt tay những người đàn ông và “ôm” những người phụ nữ theo phong tục ở đây. Madge Hitcock đã khóc và Ana Garcia thì ôm tôi rất lâu làm tôi rất ngượng ngùng. Tôi nghĩ những ngày đầu khi vào làm ở đây, cô ta rất lúng túng và đã được tôi giúp đỡ khá tận tình.

Bây giờ thì “Đường mây rộng thênh thang cử bộ. Nợ tang bồng trang trắng vổ tay reo. Thảnh thơi thơ túi rượu bầu..” Tôi có thì giờ để hoàn tất những công việc và những cuốn sách còn đang dịch dở dang. Nhất là có nhiều thì giờ cho thằng cháu nội “đích tôn.” Nhưng có một việc đã làm cho tôi khá nặng lòng. Và cuối cùng tôi quyết định : Phải về thăm quê một chuyến.

Mười hai năm trước đây (2/2000), anh em tôi đáp chuyến bay khẩn cấp về VN khi được tin báo Mẹ tôi đau nặng. Được 3 tuần, tôi trở lại Mỹ và 5 tháng sau thì Mẹ tôi qua đời ở cái tuổi 98. Tôi còn một bà chị ruột, một người con gái và những anh em xa gần. Tôi còn mồ mả của Ba Mẹ tôi và những người thân thuộc. Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi. Hình ảnh cái thị trấn Ái Nghĩa nhỏ bé có một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn chạy qua những khúc quanh thời thơ ấu, có động Sơn Gà thuộc dãy Trường Sơn, nơi Lữ đoàn 369/TQLC trong đó có TĐ2 của tôi trấn giữ những ngày sau cùng của Quân đoàn I trong cơn hoảng loạn tháng 3/1975.

Vợ tôi cũng đồng ý và đáp chuyến bay với tôi. Con gái tôi mua vé máy bay. Con trai và con dâu mua toàn bộ quà tặng ở trong chợ Costco. Tôi chỉ việc soạn vali, đóng gói và chuẩn bị ngày lên đường. Vợ chồng anh bạn Đổ Giang (TĐ6/TQLC) có một Văn phòng bán vé máy bay trong và ngoài nước ( South Eastern Travel ) ngay trên đường Euclid – Westminster nên việc lấy vé cũng tiện.

Hơn tháng sau ngày nghỉ hưu, vợ chồng tôi được người con trai đưa ra phi trường Los Angeles. Tôi chọn hảng máy bay China Airlines của Đài Loan vì có thời gian ngừng ở Taipei là một giờ. Thủ tục không có gì rắc rối nhưng phải ngồi ở phòng đợi hơn 2 tiếng đồng hồ. Không có gì phải phàn nàn, chỉ có điều phải ngồi trên máy bay 14 giờ. Cũng ê ẩm. Đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc 10 giờ sáng. Đi từ máy bay đến phòng đợi bằng xe buýt. Xuất trình hộ chiếu và lảnh hành lý không có gì trở ngại và không có “thủ tục đầu tiên”. Vợ chồng con gái đón ở phi trường. Trời nắng và nóng: “Nắng Cali cũng là nắng ấm, nhưng ấm sao bằng nắng ấm Quê Hương..” Câu hát nghe thật thấm thía. Con gái tôi đã dời nhà về đường Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, phía sau bịnh viện Từ Dũ và gần bên khu bán thịt rừng. Tôi biết rất rõ con đường từ đây về nhà. Nhưng tất cả bây giờ gần như không còn nhận diện được. Xe hơi, xe gắn máy và những người bộ hành đầy kín những con đường. Những ngôi nhà ở dọc hai bên, lớn có, nhỏ có gần như chen nhau kể cả những người buôn bán trên hè phố. Tìm một khoảng không gian trống trải không phải dễ dàng. Môi trường thành phố bị ô nhiễm khá nặng, Những người đi xe gắn máy đều đội nón bảo hộ và bịt khẩu trang, kể cả đàn ông lẫn đàn bà. Các cô gái thì thêm một đôi găng tay, có khi lên tận nách. Tất cả như bon chen, luồn lách, cố tìm cho mình một khoảng cách vừa đủ ở phía trước. Cũng có những đèn xanh, đèn đỏ, đường một chiều, nhưng hình như tất cả đều tùy nghi và được lợi dụng một cách tận tình. Con gái tôi, Thảo, đưa cho tôi một cái cell phone, có gài sẵn một cái “sim” và có thể sử dụng ngay. Bên kia đường giây có giọng nói của Phạm Quang Mỹ, người bạn cùng khóa, cũng là người đại diện K22 ở VN:

_ Vừa đến nơi phải không? Đã gặp Huỳnh Vinh Qu. Sẽ báo cho biết chương trình gặp mặt

_ Được rồi ! Sẽ gọi lại sau.

Xe dừng lại ở một cái hẻm lớn. Những cậu thanh niên trong công ty du lịch của con gái giúp đưa toàn bộ hành lý vào trong. Vợ chồng tôi được dành cho một căn phòng ở trên lầu 3, khá rộng rãi và yên tĩnh vì ở cách đường hơn 50m. Phòng có máy lạnh nhưng tôi có cảm tưởng cái nóng hầm hập cứ tìm mọi ngỏ ngách để len lỏi vào trong. Ra khỏi căn phòng là cái nóng và không khí ngột ngạt ập tới ngay. Khó tìm một giọt mồ hôi ở Mỹ nhưng ở đây nó gần như hiện diện thường trực. Chúng tôi ăn trưa một cách vội vàng rồi lên phòng, gọi điện thoại cho Vũ Văn Tám, có cái nick name là “ Tám Nhót”. Là âm thoại viên khi còn ở TĐ2/TQLC, sau khi đi học khóa hạ sĩ quan, Tám được thuyên chuyển về TĐ9. Trong trận tái chiếm Bịnh viện Dân Quân Y / Quảng Trị, Tám là Trung đội phó Trung đội 1/ Đại đội 1 cho Thiếu úy Lê Văn Thanh mà tôi là Đại đội trưởng. Th/U Thanh đã tử thương khi tràn lên chiếm mục tiêu và Tám là người thay thế điều động trung đội hoàn thành nhiệm vụ cùng với các Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn (Trung đội 3) và Lý Oanh (Trung đội 2). Tám cho biết đã thông báo cho tất cả anh em thuộc TĐ2 và TĐ9. Số người tham dự cuộc họp mặt khoảng hơn 30 người. Một số ở xa như Trần Tráng (Quảng Nam), Mai Chim, Trần Môn ở Lộc Ninh, Bình Dương, Long Khánh. Địa điểm tổ chức là Xuân Lộc, Long Khánh do Nguyễn Công Ba, đảm nhận. Ba trước đây là người mang máy cho tôi. Phương tiện di chuyển , theo lời đề nghị của Tám, là thuê một chiếc xe 35 chỗ ngồi. Tôi bảo cái vụ này để tôi lo, còn Tám thì sắp xếp việc đưa đón người ở dọc đường.

Sáng hôm sau, Tám chở Huỳnh Vinh Quang và Trung úy Trương Văn Ba đến nhà tôi. Quang về VN trước tôi nửa tháng. Quang, Lệ và tôi trình diện TĐ2 khi ra trường; được hơn một năm sau thì Quang được thuyên chuyển về không quân, còn Trương Văn Ba, Khóa 24 Đà lạt là Đại đội trưởng ĐĐ3, thay cho Đoàn Văn Tịnh về làm Trưởng ban 3/TĐ9 sau ngày ngưng bắn 27/1/1973. Chúng tôi cùng đi ăn sáng và bàn lần chót cho cuộc họp mặt. Sau đó, Ba mời tất cả xuống nhà chơi. Nhà Ba ở cầu Ông Thìn thuộc Quận 8. Vợ chồng Ba đã nghỉ hưu, sống với gia đình người con trai.

Sáng hôm sau, khoảng 5 giờ rưỡi, vợ chồng Quang, Tám, Tr/U Ba, Ngà 8, .. tập trung tại nhà tôi rồi cùng nhau ra ngoài đầu hẻm đón xe. Tám Nhót ngồi phía trước để đón những người ở dọc đường. Ở Gò vấp tôi thấy có Diện, Hùng, ..Diện chống gậy, đi đứng rất khó khăn, nhưng ăn mặc rất đỏm dáng. Trong trận VC mở cuộc tấn công tràn qua sông Mỹ Chánh, tiến sát BCH/TĐ9 tại ấp Phổ Trạch thuộc quận Phong Điền trong tháng 5/1972. Đ/U Phạm Cang đã xuất viện và về lại TĐ9, đang điều động các cánh quân, thì một quả B40 bắn vào làm Cố vấn Mỹ bị thương và một người mang máy bị thương khá nặng , phải cưa chân. Người đó là Diện. Chắc anh Cang vẫn còn nhớ người mang máy này. Đến Hố Nai đón Mai Quang Rỹ, Hà Văn Trượng, Nguyễn Văn Tăng, những người này ở đại đội nên tôi còn nhớ rất rõ. Ba người đã mang máy đại đội và trung đội, tham dự hầu hết những trận đánh trong năm 1972 cho đến ngày tôi về học Bộ Binh Cao Cấp năm 1974. Rỹ bây giờ là một ông Từ trong một họ đạo ở Hố Nai, Trượng và Tăng cũng có cháu nội, cháu ngoại. Nguyễn Văn Chiến, là y tá của đại đội, rất xông xáo lo cho thương binh, nhiều khi cầm súng chiến đấu như một người lính thật sự. Năm 1972, khi cuộc chiến xảy ra dữ dội ở chiến trường Quảng Trị thì nhiều thanh niên, kể cả những người đào ngũ từ các đơn vị khác, đã được các cha xứ ở Hố Nai, Trãng Bom chở trên những xe đò đến Trung Tâm Huấn Luyện TQLC ở Rừng Cấm, Thủ Đức.

Đến Trãng Bom, xe dừng lại để đón một người. Có một ông già, cao gầy, mái tóc bạc phơ, đang đứng lơ ngơ bên lề đường, hỏi ra mới biết người đó là Trung Sĩ Trần Tráng trong cái băng “Tam Trần” của ĐĐ1/TĐ2 là Trần Môn, Trần Sịa và Trần Tráng. Chắc anh Tô Văn Cấp và Lâm Tài Thạnh biết rất rõ cái băng này, nhưng bây giờ anh cũng khó mà nhận ra. Thế mà “chú Tám Nhót” đã gọi đúng tên mới hay. Lên đến Long Khánh được gặp thêm, Trung úy Quan, Đại đội trưởng ĐĐ1/TĐ9, Trung Sĩ Trần Môn vừa từ Quảng Nam vào, Phan Văn Thắng từ khu rừng cao su Xuân Lộc.. Có Trung sĩ Mai Chim và nhiều anh em khác ở TĐ2 và TĐ9 mà thú thật tôi không nhớ rõ hết. Xe dừng lại ở nhà Nguyễn Công Ba. Căn nhà hai tầng khá khang trang và có nhiều món đồ gỗ quí giá. Nửa giờ sau chúng tôi lên xe ra một nhà hàng khá rộng rãi và thoải mái ở thị trấn Xuân Lộc.

Không khí khá cảm động và thân mật. Rượu thịt ê hề, nhưng cái tác phong lính, nhất là lính TQLC vẫn còn y nguyên đó. . “1, 2, 3, dô..”, 100% . Tất cả gợi lại hình ảnh vui tươi hào hứng trong những bửa tiệc mừng chiến thắng tại hậu cứ cũng như tại vùng hành quân..Những kỷ niệm ngày xưa được nhắc lại, được nói ra. Những trận đánh dữ dội, nhiều nhất là trận Mậu Thân, Hạ Lào hay mùa Hè Đỏ Lửa 1972 được kể lại trong cái hào hứng của một buổi trưa hội ngộ nồng nàn, thắm tình huynh đệ chiến hữu. Ai cũng muốn nhắc lại một kỷ niệm nào đó rất khó quên trong một thời trai trẻ của mình. Một vài người đã khóc khi nhớ lại bạn bè. Một vài cấp chỉ huy được nhắc tên như Đại Tá Ngô Văn Định, Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Trung Tá Nguyễn Kim Đễ, Trung Tá Huỳnh Văn Lượm, Thiếu Tá Lâm Tài Thạnh. Người CS tìm mọi cách để làm phai mờ hình ảnh những người lính VNCH trong tâm trí mọi người. Nhưng đối với chúng ta thì làm sao mà quên được. Hình ảnh những chiến trường xưa, những người lính ngày xưa vẫn còn hiện diện dù trong một hoàn cảnh bẽ bàng nhưng vô cùng cảm động như hiện nay.

Rồi đến lúc nói lời chia tay. Gặp nhau lần này nhưng biết đến bao giờ mới tái ngộ, khó mà hẹn trước. Có một số vẫn còn ở lại, vui chơi tiếp tục.
Đoạn đường Sài Gòn–Long Khánh khoảng 100 cây số, nhưng cũng hơn 3 giờ mới về đến nhà. Tài xế phải luồn lách, len lỏi, bất chấp..kể cả những con đường dành cho xe 2 bánh. Nếu gặp công an thì chìa tiền ra thế là xong. Chúng tôi ngồi trên xe cũng mệt mỏi vô cùng. Đặc biệt ở đây, chỉ có tài xế là có “seat belt”, còn mọi người thì thoải mái. Cho nên trong những tai nạn, hành khách bị thương tích nhiều nhất.

Về đến nhà mệt quá, tôi ngủ thiếp đi hơn một giờ thì trở dậy tham dự cuộc họp mặt của những anh bạn cùng Khóa 22. Trông người nào cũng già đi..Những Hoàng Ngọc Can, Ninh, Thế, Mỹ, Hùng , Lợi, Hoàng .. Trong thời gian gần đây, những người bạn cùng khóa về thăm quê hơi nhiều. Có một người mà tôi rất mong được gặp là Nguyễn Phúc Sinh, bây giờ đang an phận những ngày cuối đời trong một ngôi chùa ở Biên Hòa. Tôi cũng không có ý định đến gặp Sinh. Không nên khuấy động một vùng tâm niệm của bạn mình. Âu cũng là duyên, là nghiệp.

Tiếp tục những ngày sau đó, vợ chồng tôi về thăm quê ở Quảng Nam, lên Đà Lạt thăm Bà Dì, xuống Cao Lãnh thăm những người bà con bên vợ và ra Vũng Tàu thăm những người bạn cũ ở Bãi Trước, Bãi Sau. Ở đâu cũng khó tìm được những cảnh cũ người xưa. Người ta cố làm mờ đi những hình ảnh của quá khứ. Chỉ có chiếc cầu sắt bắc ngang quê tôi là vẫn còn. Nhưng con sông không còn hiền hòa như ngày xưa. Nước sông bây giờ đục ngầu, người cháu, kêu tôi bằng cậu cho biết người ta khai thác vàng ở đầu nguồn, nên con sông bây giờ mới như thế, tôm cá bây giờ cũng trong một tình trạng thê lương. Mồ mả Ba Mẹ tôi nếu không có người hướng dẫn chắc không tìm ra được. Người chết cũng phải nằm chen chúc chật chội trong một cái nghĩa địa ngày càng nhỏ hẹp lại. Những con bò được thả ra lang thang đi tìm những ngọn cỏ hiếm hoi, nhưng nhiều nhất là những bó hoa còn để lại trên những ngôi mộ mới chôn. Chúng tôi có lên thăm Hội Thánh Trường An, cách nhà Ba Mẹ tôi hơn 5 cây số. Nơi mà lúc nhỏ, mỗi sáng Chúa Nhật, tôi cùng bà chị kế đi bộ để đến thờ phượng Chúa. Sau đó chúng tôi có về thăm Hội An, nhưng những con đường trong thành phố cấm xe 4 bánh nên tôi không vào thăm những nơi tôi đã một thời ăn cơm tháng trọ học, chỉ ghé lại Trường Trung học Trần Quí Cáp, nhưng không muốn vào sâu trong sân trường vì có bức tượng HCM như một tên gác đang soi mói nhìn từng bước đi của mình. Dĩ nhiên, thầy cũ, bạn bè cũ đã bỏ đi bốn phương trời từ lâu rồi. Dọc hai bên đường xuống biển Cửa Đại đầy những khách sạn mọc lên và những đoàn xe du lịch của khách ngoại quốc về thăm phố cổ Hội An. Tôi bảo người tài xế chạy dọc theo bãi biển với những khu nghĩ mát được xây dựng trong những vùng biển được thuê bao hay dành riêng. Khi xe chạy qua Ngũ Hành Sơn, tôi cố định vị bãi biển Non Nước nơi BTL/SĐ/TQLC, Lữ đoàn 258 và 369 cùng với nhiều ngàn người của các đơn vị khác cố bơi ra tàu ở ngoài khơi, vì đó là con đường thoát hiểm duy nhất trong ngày 29/3/1975, cái ngày mà Quân Đoàn I bị khai tử và vị Tư lịnh QĐ cũng bơi ra tàu như những quân nhân khác.

Chúng tôi về lại Sài Gòn để hai ngày sau tham dự “kỷ niệm 20 năm ngày cưới” của con gái tôi được tổ chức tại lầu 2 của khách sạn (5 sao) New World. Tiệc được đãi theo lối “All You Can Eat” với một khẩu phần là 50 đô la kể cả hải sản là món đắt tiền nhất. Nhưng về đến nhà vợ tôi phát giác ra không có món hải sản và con gái tôi đã gọi đến khách sạn, cuối cùng manager đã xác nhận sự sai lầm này và mời gia đình tôi trở lại với một bàn tiệc 8 người. Một nhà hàng lớn như vậy mà vẫn tìm mọi cách để bày trò gian dối và tình trạng này ở Sài Gòn và ở nhiều nơi đã xảy ra. Người ta nói quá nhiều về những sự lường gạt, gian dối, những thủ đoạn lật lọng, tráo trở, và gian manh. Đó chính là những thành quả của đường lối giáo dục và đạo đức mà HCM đã để lại. Trên những chương trình truyền hình hằng ngày mà tôi tò mò theo dõi thì những cảnh tượng này xảy ra nhan nhản. Chúng cố “bôi son trét phấn” cho chế độ nhưng sự thật bao giờ cũng bị phơi bày ra. Hình ảnh những lãnh tụ của chúng xuất hiện hằng ngày. Những đường lối tuyên truyền vẫn không có gì thay đổi. Nhiều người đã bị chúng gạt gẫm. Những kẻ nhẹ dạ dễ tin là những đối tượng mà chúng tìm tới. Người ta nói đến : “VN bây giờ phát triển nhiều lắm, thay đổi nhiều lắm, đời sống được nâng cao, v.v ”..Nhiều nhà chọc trời, nhiều dinh thự huy hoàng, tráng lệ mà chúng gọi là “hoành tráng”. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu một chút ta sẽ thấy bộ mặt thật của chúng. Có chăng là những dinh thự, biệt thự của những tay chóp bu, những đại gia tư bản đỏ. Những cơ sở nhà nước của chúng được xây dựng thật đồ sộ, cấp càng cao thì dinh thự càng lớn. Ngay cả những cơ sở công an, bộ đội ở một phường như ở thị trấn Cao Lãnh cũng hiên ngang đứng giữa những căn nhà nghèo nàn của những người dân. Sài Gòn có rất nhiều cao ốc nhưng đó là những cơ sở kinh doanh, còn những bịnh viện như Từ Dũ, Chợ Rẫy, Bình Dân đầy ứ những bịnh nhân và những người đi nuôi bịnh. Những cơ sở y tế ở dưới quê không đủ bác sĩ, không đủ thuốc men nên phải dồn về Sài Gòn. Nơi tôi ở gần bịnh viện Từ Dũ, nên mỗi lần có việc đi ngang, nhìn thấy cảnh người xe, và cái sân trước đầy kín người, thấy mà thương cho dân mình. Lại còn những tệ nạn xảy ra hàng ngay nơi mà tình thương được xem là mẩu mực thì mọi chuyện xảy ra một cách ngược lại và đầy thương tâm. Bịnh viện Bình Dân, bịnh viện Chợ Rẫy cũng thế. Dĩ nhiên là phải có những bịnh viện tư, những nhà bảo sanh tư dành cho những kẻ giàu tiền lắm bạc..mà cái số người này bây giờ ở VN không ít.

Sài Gòn bây giờ cũng không thiếu những đường xa lộ như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, đường hầm Thủ Thiêm băng qua sông Sài Gòn, những con đường thâu tiền (toll road) nhưng đó là những con đường do ngoại quốc đầu tư và mỗi lần thực hiện những công trình này là những dịp để cho các cấp cán bộ VC “thâu tiền”. Những “phúc lợi” xã hội thì người dân không hề biết đến. Trên con đường QL.15, Sài Gòn–Vũng Tàu, có những ngôi làng dành riêng cho đám kỷ sư và chuyên viên dầu khí Nga. Cũng như tại Sài Gòn thành lập một khu riêng dành cho đám Đài Loan, Đại Hàn, Singapore tại vùng Phú Mỹ Hưng và những đại gia từ Hà Nội vào ở đây. Chuyện Sài Gòn thì còn nhiều lắm. Phải nhiều người góp vào mới thật đầy đủ. Và hằng ngày ta vẫn được đọc trên mạng. Nó trở thành truyện dài.

Dầu sao tôi cũng phải lên Đà Lạt một chuyến. Cũng đã 45 năm, kể từ ngày tôi rời Trường Mẹ. Đà Lạt cũng có thay đổi nhưng tôi còn nhận ra. Khu Hòa bình và khu chợ trông nhỏ lại, người ta mở ra những trung tâm du lịch ở những nơi khác. Chỉ có Hồ Xuân Hương được đào vét lòng hồ, kè đá chung quanh và có những restaurant sang trọng, nhà Thủy Tạ, nơi có nhiều kỷ niệm đối với những anh chàng SVSQ Võ Bị, được biến thành một tiệm ăn với những thực đơn khá đắt tiền. Vợ chồng tôi ngồi ăn ở đó, buổi chiều, nhìn những quang cảnh trên hồ vẫn còn nhiều thơ mộng. Đêm xuống những bóng đèn màu bên kia hồ rọi xuống trên cầu Ông Đạo rất đẹp. Khóa 22 ở Đà Lạt có 3 người là Ngô Văn Can, Châu Văn Hiền và Lê Minh Tùng. Can ở cuối đường Nhà Chung, đầu đường vào Xuân An, Lê Minh Tùng, về quê ngoài Quảng Nam nên tôi không gặp. Còn Châu Văn Hiền là chủ một khách sạn nhỏ có tên là Châu Nguyên, khá tươm tất nhưng hơi vắng khách vì ở một nơi khuất nẻo. Chúng tôi ở đây trong những ngày ở Đà Lạt. Những người bạn cho biết, không vào thăm Trường được vì đến Hồ Than Thở và ấp Thái Phiên là bị chận lại rồi. Đỉnh Lâm Viên, nơi chúng tôi phải “chinh phục” sau thời gian Tân khóa sinh, bây giờ là điểm du lịch. Không biết người ta tìm được những gì ở đó. Không khí Đà Lạt vẫn còn dễ chịu hơn Sài Gòn rất nhiều. Châu Văn Hiền có biệt hiệu là Thy Hoài, tặng tôi một số bài thơ mà Hiền đã làm và cũng không cho biết rõ ý định. Tôi nghĩ Hiền ngại nói ra, nhưng tôi thích những bài thơ này lắm, chẳng hạn như :

.. Anh em bèo dạt mây trôi,
Đến xuân lại nhớ về nơi cội nguồn.
Chén thù chén tạc giải buồn,
Kêu sương cuốc gọi lệ tuôn cuối hè,
Tri âm còn mấy bạn bè,
Thôi ta ngồi lại hội hè chút xuân.
Hai ngàn năm vẫn bâng khuâng,
Nợ nam nhi trái, cau vầng trán sâu..

Bài thơ này cũng là đoạn kết của chuyến đi về thăm quê của vợ chồng tôi. Ý nghĩ sau cùng của vợ tôi thật đơn giản : “Một lần này rồi thôi” Còn tôi, xin mượn những câu thơ của Hiền làm lời cuối :

Ai cũng có một đời riêng để đi,
Một miền xưa yêu dấu đề quay về.
Thương ai luống mãi đời phiêu bạc.
Rong ruỗi hoài mấy dặm sơn khê.
Thoáng đông lặng lẽ đào mai rộ,
Canh cánh lòng xuân nỗi nhớ Quê.


Anaheim 14/4/2012
 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính