Dòng sông tuổi nhỏ


Người bạn thuở thơ ấu của MX Nguyễn Đức Hùng (Dòng sông tuổi nhỏ) , TS1 Nỷ (tức Tường), ĐĐ4/TĐ8 (người thứ nhất từ trái qua) của TQ Đông Kinh (Lê Đình Đơn) (thứ ba từ trái qua)

 Tiếng thằng Nỹ la oang oang trước sân nhà ông bà ngoại tôi, trong cơn nắng chang chang của trưa hè.

- Hùng ơi! Nước sông ở cửa lăng bây giờ đang xuống cạn lắm, đi ra lẹ lên, nếu không nước hết ròng chảy mạnh tắm không được đó. Tắm xong mình còn lên phá ông Than cụt nữa.

Tôi đang ở trần với cái quần đùi nghe vậy liền phóng vội ra khỏi nhà.
Ngoài sân nhà đám bạn phá xóm, phá làng đã tụ họp đầy đủ. Thằng phá nhất là thằng Nỷ, kế đến là thằng Tỏ, và thằng sau cùng là thằng Theo, vài ba thằng theo đóm ăn tàn như thằng Châu lé và thằng Đờn cũng đã có mặt…..

Tôi ở lại quê ngoại để học xong năm cuối cùng của bậc tiểu học. Vì công việc làm ăn ba má tôi về lại Nha trang, để tôi ở lại sống với ông bà ngoại. Ở đây tôi đã có những tháng ngày tự do nghịch phá với những thằng bạn thời thơ ấu và sự thương yêu, cưng chiều của ông bà ngoại. Như bao làng quê ở miền trung, quê ngoại tôi nghèo rất nghèo như câu nói ví von “đất cày lên sỏi đá”. Cũng chính ở trên cái miền đất khô cằn sỏi đá, cái làng nhỏ này là phần đời ăm ắp những kỷ niệm yêu dấu khó quên trong tôi. Làng Quảng Hội, Vạn Giả nghèo nàn xanh ngợp bóng dừa trong nắng hè gió nồm vi vu thổỉ. Tuổi thơ tôi là những sớm mai ngồi đợi thuyền của các ông cậu đi lưới cá về len vào nhặt những con “cua hét”, con “bàn chải” rồi cùng lũ bạn xúm lại nướng hoặc luộc ăn ngay trên cồn biển. Những củ khoai lang vùi dưới lửa rạ khi chín thơm lừng cả một khoảnh bếp trong ngôi nhà tranh của ông bà ngoại. Mùa đông ở đây quạnh hiu và buồn tẻ. Những bữa cơm chiều đạm bạc nhưng ấm cúng với ông bà ngoại bên những con cá lép toàn xương dầm nước mắm me. Những hình ảnh ấy còn theo tôi mãi về sau.

Tôi đã học những năm tiểu học của thời thơ ấu bên những rặng dừa bạt ngàn, trong tiếng sáo diều vi vu ở đình làng ven biển, với những trò chơi cùng lũ bạn ngổ ngáo trong làng……

….Buổi tối ở khu chợ Cai Lậy ồn ào và buị bậm. Những quán xá lụp xụp đầy những bộ quân phục rằn ri. Chợ Cai Lậy vào những ngày cuối năm 1969. Tôi như trộn lẫn vào trong cái ồn ào của đám đông ấy. Khi đi ngang qua một quán nhỏ trong chợ, một tiếng gọi vang lên, trong một giây tôi như không tin vào cả chính tai mình.
“Mày đó phải không Hùng?” Làm sao mà tôi quên được tiếng gọi quen thuộc thường rủ tôi đi tắm sông vào những trưa hè. Sau đó một tên rằn ri TĐ6 đứng trước mặt tôi. Phảỉ mất vài giây tôi mới nhận ra nó. Thằng Nỷ, không sai, đúng là nó.
Tôi ngạc nhiên hỏi một câu thật ngớ ngẩn .
- Đ.M. mày cũng đi TQLC nữa à?
- Mày hỏi ngu thấy mẹ. Nó làu bàu và kéo tay tôi lôi vô quán.
Trong quán còn có thêm ba thằng bạn cũng TĐ6 cuả nó. Không biết tụi nó đã ngồi đó từ bao giờ, trên bàn ngổn ngang những vỏ chai bia. Khuôn mặt nào cũng đỏ rừ, hơi thở bốc đầy mùi rượu.
Một thằng bạn của nó hất hàm hỏi tôi:
- Ê thằng PB này đi đâu mà lạng quạng dô đây dzậy? Ngồi xuống thì phảỉ dzô đi chứ?
- Thằng Tr/s PB này có biết uống rượu không hả?
Lại một tên bạn cuả hắn lên tiếng xen vào.
- Im mẹ cái miệng mày đi.
Thằng Nỉ càu nhàu:
- Say rồi hay sao mà ngồi đó sủa hả mấy ông nội?. Để thằng Hùng uống xong tao còn hỏi thăm chuyện làng nước cuả tao coi. Lâu quá rồi tụi tao mới gặp.
Tôi uống vội ly bia, thế là hắn bắt đầu hỏi lung tung đủ chuyện.Giọng nó sôi nổi, nhưng khi nghe tôi hỏi sao nó vô TQLC...Giọng nó trở nên buồn bã. Im lặng một lúc, nó nói:
- Như mầy biết, tao sống với bà nôị tao từ nhỏ. Ba má tao còn sống hay chết tao đâu có biết. Sau khi hết học ở trường làng mầy vô Nha trang học tiếp, còn cả bọn tao thì phải nghỉ học vì làng mình chỉ có tới lớp nhất là hết. Tao phải đi biển giúp đỡ bà nôị tao. Lớn rồi đâu còn lang thang phá phách như lúc nhỏ, tao phải kiếm sống nữa. Vài năm sau bà nội tao chết, tao đâu còn ai. Tới tuổi đi lính , Tao, thằng Tỏ và thằng Theo tình nguyện đi TQLC sau tết Mậu thân. Thằng Đờn và thằng Châu lé, tụi nó nghe lời dụ khị của thằng cha Than cụt lên núi Hóc Chim hay Đá Bàn gì đó theo tụi du kích VC rồi. Tao thật là không hiểu nổi, lúc còn nhỏ thì chung một đám vui đùa phá phách. Bây giờ như vầy, tao nghĩ nếu có ngày tụi mình gặp lại tụi nó mà phải giết nhau thì thật là buồn lắm…
Nhìn những sợi gân máu trong đôi mắt đục ngầu và đỏ choạch vì rượu của nó, tôi như thấy lại dòng sông tuổi nhỏ cuả quê ngoại ngày nào…


Tiếng thằng Tỏ oang oang:

- Tao phải cởi truồng để tắm, nếu không dìa nhà má tao biết tao đi tắm sông, bả sẽ đánh nứt đít tao luôn. Bả còn nói buổi trưa lúc mặt trời đứng bóng là không được tắm ngoài sông ở cửa lăng, nếu không sẽ bị ma da kéo chân đó.

Mặc cho thằng Tỏ nói gì thì nói, cả đám nhãi con tuột hết áo quần rồi đùng đùng phóng xuống mặt sông làm bắn tung tóe nước và ồn ào cả một dòng sông trong buổi trưa hè yên lặng.

Thằng Tỏ là thằng rời bờ sông trước tiên. Nó lên bờ xỏ lẹ cái quần đùi vào rồi chậm rãi bước về phía lều của lão Than cụt. Đến nơi, nó rón rén nhìn qua những lổ hổng rách của cái lều xem lão đã ngủ say chưa trước khi ngoắt tay báo hiệu cho cả đám leo lên cây hái những trái bàng chín xuống ăn….Lão Than cụt, một người không vợ, không con được cả đám con nít trong làng biết đến như một nhân vật huyền bí. Không biết lão cụt cánh tay trái lúc nào và tại sao. Chỉ nghe người lớn trong làng kể rằng ngày xưa lão đã từng theo Việt Minh gì đó lên núi và bị Tây bắn cụt tay. Sau khi trở về làng không biết vì thất chí hay chuyện gì đó lão cứ uống rượu say sưa tối ngày, đi lang thang khắp làng với cái đuôi con nít hò hét theo sau….

Rời chiếc xe lam ở Tam Hà, Thủ Đức, Tôi đã thấy thằng Tỏ và hai tên bạn cùng TĐ2 của hắn đón tôi và kéo vô cái quán gần đó. Tôi nói:

- Nghe TĐ2 cuả mày vừa về hậu cứ từ Chương Thiện nên tao lên thăm mày chứ sợ sẽ khó có dịp.
Nó nhăn mặt:

- Mày nói như cứt. Làm như tụi mình sắp chết tới nơi rồi. Quên mẹ mọi chuyện đi, kiếm cái gì uống rồi hẵn hay”

Lại thêm một thằng bạn lớn lên từ dòng sông tuổi nhỏ. Đã lâu không tin tức, bây giờ gặp lại nơi đây, quán nhỏ bên đường mà cứ ngỡ như giấc mơ.

-Đã lâu rồi mày có về làng không Hùng?

Tôi trả lời không, và hỏi lại hắn:

- Còn mày thì sao?

Nó nói:

- Hành quân liên miên, về hậu cứ thì cứ theo mấy thằng bạn thổ tả này uống say mèm. Nhiều lúc nhớ quê, nhớ xóm làng cũng muốn về nhưng nghĩ lại chẳng còn ai nên thôi.

Nó hỏi tiếp:

- Mày có gặp thằng Theo không? Nó ở TĐ 3 đó. Tao, nó và thằng

Nỷ từ ngày rời quân trường Rừng Cấm, ba thằng đi ba TĐ khác nhau chưa bao giờ gặp lại!! Nghe nói nó bị thương nhẹ ở U-minh lúc ra khỏi bệnh viện nó có lên trại Yết Kiêu kiếm mày và lên Tam Hà kiếm tao nhưng không gặp thằng nào. Mang tiếng cùng ở TQLC mà sao gặp nhau khó quá.”…
Buổi chiều xuống dần. Tôi cũng đã bắt đầu thấm rượu. Tôi nói:

- Thôi tao về. Nếu còn sống tao sẽ kiếm mày.

Thằng Tỏ cũng đã say, nó lầm bầm trong miệng:

- Ừ, tuị mình sẽ sống mà. Có ngày tao, mày, thằng Nỷ, và thằng Theo cùng nhau về dòng sông cũ, tắm sông và lượm trái bàng chín như ngày xưa tụi mình còn nhỏ nghe Hùng”.

Và đó là lần cuối cùng tôi gặp thằng Tỏ. Ngày buồn thảm của cuối tháng 3/1971 cả LĐ147 đã triệt thoái từ căn cứ Đống Đa, Hạ Lào trong chiến dịch Lam Sơn 719. Nó đã đến và ở lại nơi ấy. Giấc mộng đời không còn bao giờ thức dậy. Nó đã đi đến thiên đường một mình với tốc độ chóng mặt. Nó đã quên mất lời ước hẹn cùng tôi trở về thăm lại dòng sông tuổi nhỏ ngày nào. Quay nhìn lại lần cuối căn cứ Đống Đa rực lửa. Biết bao nhiêu Trâu Điên đã ở lại, trong đó có mày đó Tõ. Tao sẽ mãi mãi nhớ mày. Hãy ngủ yên cùng với các bạn bè của mày nhé. Mày bây giờ đã thảnh thơi hơn tụi tao. Tao nhớ mày vẫn thường khoe là thằng Nỷ, thằng Theo, khoái Trâu Điên mà không về được. Rốt cuộc mày lại dành đi trước tuị tao. Bây giờ nơi chốn hư vô ấy không còn cấm trại, không còn cần giấy phép hay phải trốn trại nữa. Mày về dòng sông xưa được rồi, nhưng tao chắc là mày không vui đâu vì nơi đó không có tụi tao mà……


- Ê! Có nhiều trái bàng chín quá tụi bay ơi. Lão Than cụt vẫn còn ngủ say như chết. Thằng Nỷ nói.

- Tụi mình bắt thêm mấy con còng gió bỏ vô mền lão Than cụt
nhe

Thằng Nỷ lúc nào cũng là thằng có những sáng kiến quỷ quái để chọc phá. Thế là cả đám nhóc nhao nhao đồng ý. Cuối cùng tụi nhóc cũng bắt được một con còng gió và một con nha ( nha là một loại còng nhỏ có cái càng màu xanh).
Thằng Theo nói:

- Tao nhỏ con nhất và chạy lẹ nhất, để tao vô bỏ nó trong chăn cuả ổng cho.

Cả bọn rình ở ngoài lều, còn thằng Theo thì lẻn vào trong. Thời gian chừng một phút mà cả bọn nghe như thật lâu. Bóng thằng Theo chạy vụt ra khõi lều như tên bắn thế là cả bọn ùn ùn phóng theo. Sau lưng bọn tôi còn nghe lồng lộng tiếng thét và tiếng chửi thề vang dội của lão Than cụt …

…Xuống dưới trảng tranh cùng với TĐ2/Trâu Điên, tôi gặp lại các anh em BCH/PB2. Tôi nhập bọn lại cùng họ, sau một đêm nương theo ánh hỏa châu của TĐ3/PB chỉ đường cho cuộc triệt thoái từ căn cứ Đống Đa. Tại nơi đây các Sói Biển đang chờ và giữ cái trảng tranh cho trực thăng bốc LĐ 147 về Khe Sanh. Trong nỗi tận cùng của mệt mỏi và đau thương, tôi gặp lại thằng Theo trong sự bất ngờ không tưởng. Đại đội nó đang giữ cho chúng tôi rút. Nó vẫn nhanh nhẹn, và liếng thoắt như ngày nào. Gặp tôi, nó nhào tới ôm chặt lấy tôi, làm như sợ tôi chạy mất và câu đầu tiên nó hỏi tôi là:
“ Hùng, thằng Tỏ có thoát không?,
Tôi buồn bã lắc đầu trả lời hắn mà như muốn khóc:
“ Tao nghĩ là không,. Buổi sáng trước khi rút, tao có gặp một thằng ở trung đội nó cho biết trên đường rút về LĐ nó bị thương khá nặng, thì không cách nào thoát được”
Không ngờ chỉ nghe có chừng ấy mà thằng Theo đã có thể bật khóc như trẻ thơ trong hoàn cảnh thế này, giữa núi rừng trùng điệp của Hạ Lào.
- Mẹ nó cái thằng Tỏ này. Trong đám là nó gan lì và thương tao nhất mà nó lại đi cái chó gì sớm vậy.
Trong ràn ruạ nước mắt, nó lảm nhảm:
-ĐM, sao lại như thế? Từ ngày rời Rừng Cấm tới giờ tao chưa gặp lại thằng nào. Bây giờ vừa gặp lại mày, thì lại một thằng ra đi vĩnh viễn. Mày không biết, lúc còn ở Rừng Cấm, nó là thằng vì tao mà bị phạt nhiều lần. Nó đánh lộn tùm lum để bảo vệ tao. Tao nhỏ con nên thường bị mấy thằng trong đại đội khóa sinh ăn hiếp. Khi ra trường, nó về Trâu Điên còn tao về Sói biển. Nó cứ theo chọc tao. Nó nói mầy ốm như con đỉa, đánh nhau đạn khó trúng mày. Vậy thì về TĐ Đỉa đói là phải rồi.
Theo ơi! Tao thương mày và thương cả chính tao. Mày còn khóc được là niềm tin, và hạnh phúc còn trong mày đó. Với tao niềm tin và sự sống cho ngày mai, để đợi ngày hoà bình cho cái đất nước khốn khổ này đã không còn trong tao,. Nó đã thui chột theo tháng ngày qua. Mày có biết không, có những lần cái chết nó gần đến nỗi tao còn nghĩ rằng nó là nhân tình chung thủy không rời ,. Lúc nào cũng cận kề với những thằng lính mũ xanh của tụi mình và lúc nào cũng sẵn sàng mở vòng tay chào đón bọn mình. Sự sống chỉ là một thứ không tưởng. Nó là một thứ ân sủng của thượng đế bố thí cho những thằng lính áo rằn của tụi mình. Thôi thì tao, mày cũng nên mừng cho thằng Tỏ, cuối cùng thì nó cũng đã kết hôn với con nhân tình dễ ghét này, sau bao năm chung thủy đồng hành với nó.

Thằng Theo đưa bình đông nước cho tôi uống. Tôi tưởng như trong nước có vị mặn cuả nước mắt nó và mùi máu tanh của thằng Tỏ. Tiếng trực thăng đáp xuống trảng tranh. Tôi cùng BCH/TĐ 2/PB rời bãi bốc lên cao xa tít. Tôi còn nhìn thấy bàn tay thằng Theo vẫy theo, và bóng nó nhỏ dần lẫn vào đám tranh vàng uá….


Thằng Theo nói với tôi:

- Sáng sớm mai, tao, mày, thằng Nỷ và thằng Tỏ, lên đám ruộng khô cuả ông Cần trên ga Trung Dõng. Tao biết một chỗ có nhiều dế lắm. Sáng hôm qua tao lên rẫy với ông bác, sáng sớm tao nghe nó gáy dữ dội. Nhớ đừng cho thằng Đờn và thằng Châu lé biết. Chỉ bốn đứa mình đi thôi. Chuyến này cho tụi nó biết tay. Thằng Đờn có con dế than chiến quá, bốn đứa mình chưa có đứa nào thắng nó tức thật.

Thằng Tỏ mỉa mai:

- Mày tử tế ghê hén. Mày nhỏ nhứt trong đám tụi tao, mà lẹ như ma. Thường thì mày trốn đi một mình chứ sức mấy mà mày có lòng tốt gọi ba thằng tao.

Thằng Nỹ xen vào:
- Sáng tờ mờ nó hổng dám đi một mình đâu. Tại nó sợ đi ngang qua mả ông Cơ, ma ra nhát nó nên mới kéo theo tụi mình chứ tử tế gì.

Thằng Theo bẻn lẽn chống chế:
- Làm gì có chuyện đó. Chẳng qua là vì tao khoái đi chung với tụi mày đó mà.

Sáng hôm sau, sau khi rời thửa ruộng khô cuả ông Cần. Đám nhóc bốn đứa men theo con đường đất nhỏ đi lên đường rầy xe lửa ở ga Trung Dõng thì trời đã trưa. Thằng Nỷ giơ cái lon sửa bò rỉ sét ra khoe:

- Tao bắt được ba con dế. Con cồ lữa là chiến nhứt. Chắc chắn tao sẽ không thua cho con cồ than của thằng Đờn. Kỳ này cho nó hết làm hách. Tụi bay biết mà “dế lửa chắc gan, dế than mạnh húc” con của thằng Đờn chỉ mạnh húc thôi. Tụi bay có con naò “chiến” hông?

Tôi nói:
-Tao được hai con, còn thằng Theo và thằng Tỏ mỗi đứa chỉ có một con, nhưng không có con nào chiến hết”.

Thằng Theo tiếp lời:
- Tụi mình lên đường rầy ngồi nghỉ một lát rồi tao dắt lên rẫy ông Cần kế bên rẫy bác tao hái trộm bắp nướng ăn. Ghé rẫy bác tao, tụi bay nhớ nhắc tao lấy cái cuốc chim để sau đó chôn mấy cái cùi và vỏ bắp, chứ ổng mà biết mét lại bác tao thì tao nhừ đòn.

Cả đám đi dọc theo đường rầy để lên rẫy. Chợt thằng Tỏ hỏi:
- Tụi bây có biết cái đường rầy này chạy miết tới đâu hông?

Thằng Theo làm như gỉỏi lắm nói ngay:
- Một ngả chạy tuốt dzô Sài Gòn, còn một ngả chạy miết ra Huế đó

Thằng Tỏ nói với giọng chắc nịch:
- Mai mốt lớn lên tao sẽ đi tận Sài Gòn, rồi sẽ ra tuốt ngoài Huế.

Thằng Nỹ xen vào:
- Xì! Mày làm gì có tiền đi xe lửa. Năm ngoái tao theo bà nội tao đi Tuy Hòa. Mèn ơi! Ngồi xe lửa thiệt là đã. Nó chạy chun qua cái hầm tối hù, rồi băng qua cái cầu dài thật dài mới tới Tuy Hòa đó. Bà tao nói là phải trả nhiều tiền lắm….

Tỏ ơi! Bây giờ thì tụi mình đã đi quá xa. Xa hơn cả những gì mày đã nói trong trưa hè thuở xưa. Như vậy là mày đã mãn nguyện rồi chứ gì?! Tụi mình đã đi khắp cùng đất nước từ Năm Căn, Cà Mau ra tận Gio Linh, Đông Hà, Quảng Trị. Không phải tụi mình đi bằng chiếc xe lửa hiền hoà lăn mình nhả khói trắng hai bên đường cuả ngày xưa cũ khi đám nhóc bốn thằng mình dõi mắt trông theo mà ước mơ đến những chân trời xa lạ. Mà tụi mình đã đi bằng hình hài của những thằng lính rằn ri, đi trong lằn ranh sống chết, đi trong nỗi nghiệt ngã oan khiên cuả một đất nước điêu tàn, đau khổ triền miên trong hận thù chiến tranh. Bây giờ mày lại còn đi xa hơn nữa để rồi nằm laị mãi mãi trên núi rừng chập chùng của xứ Lào xa lạ chứ không phải là quê hương cuả tụi mình. Ôi! Mày sẽ buồn và nhớ tụi tao biết bao nhiêu, phải không Tỏ?
Tỏ ơi! Mày có biết rằng đã nhiều lần trong cơn say, tao đã mơ thấy bốn thằng nhóc mình ngồi trên chuyến xe lửa ngày xưa. Miệng reo vui, cả đám tụi mình thò đầu ra ngoài cửa toa tầu ngửi mùi biển mặn khi tầu ngang qua biển Đại lãnh, rồi ngửi mùi thơm mạ non của những thửa ruộng khi tầu lướt ngang qua ga Hảo Sơn. Rồi cứ thế chiếc xe lửa hiền hoà ngày ấy băng qua sông Đà… Niềm ước mơ thời tuổi nhỏ thật an bình và giản dị, nhưng cả cuộc đời tụi mình vẫn là ước cùng mơ mãi kiếm tìm…..

…..Buổi chiều còn vương chút nắng trên đồi nơi LĐ1 Kỵ Binh trú đóng ở Phong Điền, Mỹ Chánh. Từng toán quân cuả TĐ8 di chuyển ngang LĐ1 KB để đi về phiá núi. Tôi đang chơi bóng chuyền cùng đám bạn thiết giáp. Bỗng trong toán quân di chuyển, tôi nhìn ra thằng Nỷ. Chắc nó cũng đang ngạc nhiên không biết vì sao lại có tên TQLC ở trong đám thiết giáp nên đưa mắt nhìn, và cũng lại giọng nói quen thuộc ngày xa xưa cũ:
- ĐM, mày đó hả Hùng?
Thằng Nỷ rời toán quân đang di chuyển để chạy về phía tôi. Hai thằng ôm choàng lấy nhau. Một thoáng từ lúc gặp nó ở chợ Cai Lậy cuối năm 1969 đến nay là 1974, đã gần năm năm rồi còn gì.
Lúc này trông nó già giặn và vững chải ra với cái lon TS1 ngụy trang trên cổ áo. Tôi cười nói đùa:
- Nhanh thế đã TS1 rồi à?
Nó cười và nói có chút hãnh diện:
- Tao rời TĐ6 và đi học HSQ đặc biệt năm 1971 rồi sang TĐ8 này bây giờ là Tr/đội phó.
- Thế là gặp mày tao phải chào rồi. Tao vẫn còn Tr/s đấy.
Tôi đùa và bảo:
- Đã nói là số tao không có duyên với nhà binh mà.
Nó hỏi tôi:
- Mày có biết là thằng Tỏ đã chết ở Hạ lào không?
Tôi trả lời:
- Ừ tao biết, còn thằng Theo thì tao có gặp một lần ở Hạ Lào.
Nghe nói sau đó bị thương nặng lúc đánh Cổ Thành nên đã giải ngũ. Nó quen con nhỏ nào ở Long An rồi ở luôn đó không về làng cũ nữa đâu.
Thằng Nỷ chép miệng:
- Vậy bây giờ chỉ còn tao với mầy thôi, nhưng cũng khó gặp nhau há?
Tôi nói:
- Thì chiến tranh rồi cũng có ngày phải chấm dứt.
Giọng thằng Nỷ nhỏ lại:
- Ừ phải chấm dứt. Tao sẽ về cưới vợ. Tao có thương con nhỏ ở Cần Thơ, kỳ tới có phép thường niên lần tới tao sẽ về cưới nó. Tao bây giờ không còn ai. Không họ hàng, bà con, chỉ có mày. Nếu ngày cưới mà có mày thì vui hết biết hả Hùng. Rồi vợ chồng tao và mày sẽ về thăm dòng sông Mỹ Quảng nghe.
- TS anh em đang đợi. T/U nói lẹ lên để vô thế cho thằng 4 ra kẻo quá tối. Một người lính Ó-Biển đến hối hắn.
Nó muốn nói với tôi thêm điều gì đó nhưng lại chần chừ rồi quay đi. Tôi nói vói theo:
- Cẩn thận nghe, nhớ giữ lại cái mạng cùi của mầy để về lấy vợ và thăm làng nghe.
Đã đi xa rồi mà hắn còn cố quay lại nhoẻn miệng cười nói to cho tôi nghe:
- Tao hứa , tao sẽ sống về lấy vợ mà”


Đó là lần sau cùng tôi gặp laị thằng Nỷ. Sau những biến chuyển dồn dập đau thương xảy ra cho đất nước, tôi đã bỏ xứ ra đi. Nhiều năm trên xứ người, hình ảnh thằng bạn thời tuổi nhỏ, lẫn theo cánh quân TĐ8 mờ dần theo rặng núi xa bên đồi thiết kỵ với niềm ước mơ những ngày phép về cưới vợ, và dắt vợ về thăm ngôi làng nghèo khổ ven biển, ngôi làng với dòng sông thời tuổi dại. Trong tôi vẫn còn thoáng nghe những tiếng cười hồn nhiên cuả các thằng bạn thời tuổi nhỏ. Nó không bao giờ mờ phai trong ký ức tôi.
Đã lâu thật lâu. Chiến tranh rồi hoà bình, tôi vẫn chưa một lần quay về làng cũ. Kỷ niệm đã thăng hoa. Ngày tháng thì nhạt nhòa. Trong ký ức tôi, giòng sông tuổi thơ lúc nào cũng còn đó. Nước hiền hòa lúc nào cũng chảy một giòng thôi.

Cần Thơ Ngày …Tháng…Năm…
Hùng thân,
Khi mày đọc được những giòng chữ tao viết, thì chúng mình đều đã già, đã nhiều năm dài trôi qua.
Tao đã giữ tròn lời hứa với mày. Tao đã sống sót trong trận đánh cuối cùng. Tao bị thương nặng và để lại Long Thành một chiếc chân trái. Thôi cứ coi như là kỷ niệm cho màu áo 4 chữ của tụi mình. Cuối cùng thì tao cũng lết về được Cần thơ. Người con gái hiền hoà của xứ này đã không chê và chấp nhận tao. Cũng nói thêm cho mày mừng tao đã được hai cháu. Chúng nó đã lập gia đình và tao cũng chưa một lần dắt vợ tao về lại dòng sông tuổi nhỏ cuả tụi mình. Vì có còn gì nơi ấy khi ngay cả đất nước tao đang sống cái gọi là” quê hương” nó cũng đâu còn như ngày xưa.
Báo cho mày biết thằng Theo ở Long An cũng đã chết cách đây vài năm sau cơn bạo bệnh. Tao có về gặp nó, trước khi ra đi nó vẫn còn nhắc đến mày và thằng Tỏ. Bây giờ nó đã gặp thằng Tỏ rồi.
Bên trời xa xôi này tao vẫn cầu mong gia đình mày an bình và hạnh phúc. Hãy kể cho vợ con mày nghe về những ngày xưa của tụi mình như thoáng kỷ niệm còn một chút gì để nhớ để thương
Tao gửi cho mày chút nắng vàng quê nhà vì tao biết bên mày muà đông chắc lạnh lắm. Mong mày lúc nào cũng nhớ về những ngày xưa thân ái. Với giòng sông yên bình đã cho chúng mình biết bao kỷ niệm ấu thơ. Cuộc đời nghiệt ngã có thể lấy mọi thứ từ tao, từ mày, Nhưng những kỷ niệm thân thương thì lúc nào cũng còn đó trong ngăn tim của chúng ta để đôi khi “tuổi sáu muơi mà ngỡ như trẻ thơ” như lời bài hát nào đó.
Đừng thư lại cho tao. Đừng về tìm tao những điều đó không cần thiết, vì tụi mình vẫn mãi mãi còn giòng sông thời tuổi nhỏ và màu aó rằn trong tim để nhớ về nhau kia mà.
Bạn mày,
Nỷ


PTMX/OR Nguyễn đức Hùng
Thu 2011

 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính