Năm tôi mười tám tuổi đang đi học thì xảy ra trận tổng công kích cuả Việt cộng vào thủ đô Sài Gòn và một số tỉnh lỵ khác của VNCH vào dịp tết Mậu Thân năm 1968. Lệnh tổng động viên được ban hành, vào tuổi cuả một thanh niên mới lớn chưa hiểu rõ về cuộc đời chỉ biết sách vở và bạn bè nay bỗng dưng đi vào quân đội tôi cảm thấy lòng mình đầy hoang mang và bỡ ngỡ .
Chiến tranh đã kéo dài đến thế hệ cuả chúng tôi với một quê hương điêu linh và đổ nát, những người đi trước vẫn còn miệt mài và bây giờ thì đến lượt chúng tôi. Chiến tranh đã đi vào đến thành phố, Sài Gòn đã có những đêm tiếng đại bác vang vọng về rất gần, người dân Sài Gòn cũng đã một phần nào biết đến chiến tranh, một cuộc chiến dai dẳng chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
Trường Hạ Sĩ Quan nung chí người trai, Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ. Tôi vào quân trường Đồng Đế một buổi chiều khi hoàng hôn vừa tắt, vũ đình trường được bao bọc xung quanh bằng những hàng thông rì rào bởi những luồng gió thổi từ ngoài biển vào, phía sau quân trường, trên đỉnh núi, tượng người lính mầu trắng đứng trong tư thế thao diễn nổi bật trong dẫy núi chập chùng mầu xanh thẫm nổi tiếng với hai câu thơ:
Anh đứng ngàn năm thao diễn
nghỉ,
Em nằm xõa tóc đợi chờ anh.
Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, máu chưa đổ nhưng mồ hôi thì hầu như lúc nào cũng đẫm chiếc áo trận. Đồng Đế có một bãi huấn luyện về chiến thuật cạnh bờ biển rất đẹp đó là bãi Tiên, không biết ai đặt tên nhưng tiên đâu chẳng thấy chỉ thấy những cán bộ huấn luyện dữ như những hung thần: nhất Sử nhì Vinh tam Hùng tứ Cảnh ,bốn vị sĩ quan huấn luyện viên này có những lối phạt rất là văn nghệ, thơ mộng nhưng chết người như:
Tình ca người đi biển: Cả đại đội khóa sinh dàn hàng ngang súng giơ cao khỏi đầu lội xuống biển cho đến khi nào ngập đầu.
Hái hoa rừng cho em: Một tiếng còi thổi cả đại đội chạy từ dưới chân đồi chạy lên đỉnh rồi một tiếng còi chạy xuống trong tay mỗi người phải cầm một cành hoa nhưng không được rụng cánh.
Những đêm đi ứng chiến ở cầu Xóm Bóng, Ba Làng nghe sóng vỗ rì rào, trời sáng tinh mơ thấp thoáng những bóng con thuyền trở về với đầy ắp cá chuồn. Câu lạc bộ cuả tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng có người con gái cố tình quên không tính tiền cho những chàng khóa sinh với ánh mắt đầy trìu mến như cảm nhận rằng thương người chiến binh. Những ngày cuối tuần đi phép người cán bộ đứng ngay cổng hỏi khóa sinh rằng từ doanh trại tiểu đoàn khóa sinh (bảng tên của mỗi tiểu đoàn khác nhau) ra đến cổng quân trường có bao nhiêu gốc thông ở hai bên đường?.
Rồi 6 tháng quân trường cũng trôi qua, chàng thư sinh bây giờ trở thảnh một người chiến binh dạn dày phong sương bỏ lại sau lưng Đồng Đế với những ngày gian khổ nhưng đầy kỷ niệm.
Thành phố miền thuỳ dương cát trắng vẫn níu chân tôi, rời Đồng Đế tôi qua trường pháo binh ở Dục Mỹ để học thêm về ngành chuyên môn. Trường pháo binh nằm cạnh trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân nổi tiếng với chương trình huấn luyện rừng núi sình lầy, thời gian học tại trường pháo binh thật là nhàn hạ, chỉ trừ những lúc khảo hạch về chuyên môn, những chiều cuối tuần có xe cuả trường chở ra thành phố Nha Trang dạo phố nhưng riêng tôi cũng chẳng thấy xa lạ gì bởi mới vừa rời Đồng Đế, quần áo lúc nào cũng ủi hồ thẳng nếp, sách vở trên tay, đi học ngoài bãi đều có xe chở cho nên chúng tôi thường gọi đùa với nhau bọn mình là "lính hoàng gia". Có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên đó là những chiều cuối tuần hết tiền ra Nha Trang cả bọn luà dê đực và dê cái cuả ông trung tá già Lê Huy Nghiêu chỉ huy phó vào sam (nơi ngủ cuả khoá sinh) đóng hết cưả lại cho chúng làm tình, sáng thứ hai sau buổi chào cờ tại vũ đình trường những tên tham dự trò chơi đó bị đứng phạt dưới chân cột cờ và trong đó có tôi. Câu lạc bộ số một có cô Ngân xinh đẹp si tình một chàng sĩ quan căn bản pháo binh khoá 2/68, đến ngày mãn khoá chàng phải lẩn trốn (đây là lời cuả sĩ quan pháo binh Phan Kim Bổng khoá 2/68/TĐ kể lại cho tôi ).
Sau khi tốt nghiệp, tôi về phục vụ tại một đơn vị pháo binh và làm việc trong trung tâm hành quân cuả Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, công việc cũng nhàn hạ, ngoài giờ trực tôi thường hay lang thang đường phố Sài Gòn, những chiều cuối tuần vẫn nhộn nhịp mặc dù dấu tích đổ nát cuả chiến tranh còn đó. Thỉnh thoảng có những thằng bạn học cũ aó hoa rừng mũ đỏ, mũ nâu trở về thành phố kể lại những trận đánh mà chúng nó tham dự. Ôi, đời lính nhiều gian nguy nhưng cũng đầy hào hùng và thời gian ngắn sau đó tôi tình nguyện sang pháo binh Thủy Quân Lục Chiến, cũng kể từ đó dấu chân người lính bắt đầu đi khắp nẻo đường đất nước.
Tôi theo đơn vị hành quân tại vùng Kiến Hòa, thị xã Trúc Giang với những hàng dừa rợp bóng hai bên đường, những cô gái thị xã e ấp trong chiếc aó bà ba đơn sơ và giản dị khiến tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của một người bạn học cũ trong nhóm thi văn đoàn sông Hậu:
Tôi thương chiếc áo bà ba,
Tôi thương thị xã mang tà áo em.
Qua bắc Hàm Luông là Mỹ Lòng, tại chợ Mỹ Lòng có một loại rượu đế màu vàng óng uống muốn cháy cổ họng nhưng rất ngon, có lần bọn tôi năm đứa đã ngất ngưởng từ đó để về đến vị trí pháo đội đóng tại Đồng Gò, có những buổi chiều ngồi bên cạnh con lộ nhìn những cánh đồng bao la bát ngát tôi thấy đất nước mình đẹp quá, nếu không có chiến tranh thì quả là tuyệt vời với bức tranh đồng quê. đứa trẻ mục đồng trên mình trâu lững thững đi về trong khói lam chiều, nhưng cảnh thanh bình ấy vẫn còn xa tầm tay với cuả những người nông dân hiền hòa và chất phác.
Được một thời gian thì đơn vị di chuyển xuống Giồng Trôm, quê hương cuả ông già Ba Tri đầy huyền thoại, chợ Giồng Trôm nằm bên cạnh chi khu có những buổi trưa Hè trong vọng gác người lính nghĩa quân ôm súng ngồi uể oải, bóng dáng của những người lính mũ xanh, áo rằn ri xuất hiện làm cho khu chợ trở nên sôi động, thấp thoáng đâu đó một vài anh lính ngồi trò truyện với những ánh mắt đầy trìu mến cuả cô thôn nữ. Người lính Việt Nam Cộng Hoà là thế đó, họ chiến đấu thật can đảm khi đối diện cùng quân thù nhưng cũng rất lãng mạn trong tình yêu, thời gian đóng quân tại đây quá ngắn ngủi cho nên mọi người cũng nuối tiếc mảnh đất đầy hiền hoà này, ngày chuyển quân rồi cũng đến và cuộc chia ly nào cũng đầy nước mắt nhưng cuộc chia tay cuả một người lính trong khẩu đội cuả tôi với người con gái Giồng Trôm thì vĩnh biệt bởi sau đó người chiến binh này đã nằm xuống tại mặt trận Quảng Trị vào muà Hè đỏ lửa năm 1972.
Đồn 23 nằm cạnh quốc lộ số 4 thuộc tỉnh Định Tường là căn cứ cuả một trung đoàn bộ binh thuộc Sư Đoàn 7 bị đặc công VC tấn công đêm qua. Khi chúng tôi đến thì những đám cháy vẫn còn và xác người nằm la liệt. Ôi! đau thương nào cho bằng một cảnh tượng đầy xác chết của những đàn bà và trẻ thơ vô tội, một người lính bộ binh nước mắt lưng tròng ngồi ôm xác vợ con mình. Chiến tranh thì sẽ có thiệt hại nhưng đây là sự khát máu, bạo tàn vô lương tâm của con người cộng sản, trái lại người lính Việt Nam Cộng Hòa lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ sinh mạng cuả người dân điều đó đã nói lên tính nhân bản và chính nghĩa cuả người lính VNCH và tính độc ác, bạo tàn, khát máu cuả Cộng Sản.
Từ đồn 23 theo quốc lộ số 4 chạy xuống đến ngã ba Cái Bè, quẹo trái là vào chợ Cái Bè nằm dọc theo con sông chảy ra cầu Thông Lưu, gần chợ có một căn nhà ngói màu đỏ thỉnh thoảng theo chuyến xe tiếp tế cuả pháo đội tôi ghé vào thăm một ông già, ngồi nhâm nhi cùng ông ly rượu đế và nghe ông kể chuyện đời xưa. Trước ngày chuyển quân, tôi đến chào từ giã ông, nắm tay tôi giọng run run ông nói:
_Thằng cháu đi mạnh giỏi nếu có dịp đi ngang qua đây nhớ ghé thăm "Qua"
Ôi! tiếng "Qua" cuả một ông già miền Nam sao mà thân thiết quá! Phải chăng miền Nam với ruộng luá phì nhiêu, thẳng cánh cò bay, tôm cá đầy đồng đời sống dễ dàng nên tính tình người miền Nam cũng cởi mở và chân tình, miền Nam với những trăng sáng đêm thanh tiếng giã gạo xen lẫn tiếng hò cảnh thanh bình, thịnh trị cuả thưở xa xưa. Nhưng rồi chiến tranh đã đưa tôi đi đến những vùng đất xa lạ khác, tôi không còn có dịp ghé về chốn cũ để thăm ông nhưng hình ảnh cuả ông vẫn mãi mãi trong tôi.
Đơn vị nằm chờ lệnh hành quân tại Bắc Mỹ Thuận, những người lính độc thân lại được dịp tỏ tình với những người đẹp bến phà, dòng sông Cửu Long đục nước phù sa lững lờ trôi kéo theo những đám lục bình, chiếc phà chở xe cộ, hành khách sang bên Vĩnh Long như con thoi, tâm hồn tôi chợt nhớ về miền sông Hậu, Cần Thơ nơi tôi đã có vài năm học ở đó. Thành phố có bến Ninh Kiều, những đêm trời sáng trăng tôi thường hay ra ngồi ghế đá nằm cạnh con sông để nhìn sang bên kia là Xóm Chài với con đò đưa khách sang sông dưới ánh trăng lấp lánh hay những buổi nghỉ học cùng với đám bạn bè chèo xuồng qua bên kia cồn để hái trái cây, khung trời Tây Đô với những con đường đầy kỷ niệm.
Kampuchia, một nước nghèo nàn và xác xơ mặc dù chiến tranh mới chỉ thấp thoáng ở một vài nơi gần biên giới Việt Nam, những chiếc tàu vận tải trung hạng cuả quân vận đổ chúng tôi xuống một vùng đất thoai thoải một cù lao nhỏ trồng toàn bắp, xa xa vài căn nhà thưa thớt như những nhà sàn cuả người Thượng trên vùng Cao Nguyên. Cứ 3 ngày, từng đoàn tầu quân vận chở lương thực và đạn dược đến tiếp tế cho chúng tôi.
Con sông trước mặt đục ngầu, thỉnh thoảng có những xác người không đầu theo dòng nước, và được biết đó là những xác cuả người Việt Nam. Những ngày rảnh rỗi một số anh em chúng tôi cũng đi sâu vào làng dân, họ cũng hiền hoà như các dân tộc khác nhưng không hiểu tại sao lại có mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc. Sau 2 tháng ở xứ người, đơn vị tôi đuợc lệnh di chuyển về Châu Đốc và trở về hậu cứ tại Rừng Cấm Thủ Đức. Một buổi tiệc liên hoan đã được tổ chức và đặc biệt hơn nữa là đến màn vũ sexy anh em binh sĩ la ó ồn ào nhưng vị tiểu đoàn trưởng cuả chúng tôi đứng ở một góc cuối hội trường chỉ mỉm cười với ánh mắt thật bao dung, ông hiểu rồi mai đây trong cuộc hành quân sắp tới có còn đầy đủ khuôn mặt như hôm nay? Bởi vì: “xưa nay chinh chiến mấy ai trở về!”. Xin cám ơn lòng nhân hậu cuả người anh cả chúng tôi Tr/tá Trần Thiện Hiệu.
Sau cuộc hành quân Kampuchia lần thứ hai, đơn vị lại chuẩn bị cho cuộc hành quân sắp tới, ngoài quân trang, quân dụng chúng tôi còn được cấp phát thêm áo trấn thủ, tôi đoán sẽ đi hành quân ở vùng Cao Nguyên, nhưng không biết chỗ nào? Bởi vì theo lệnh cấp trên trong phạm vi cuả khẩu đội, tôi kiểm soát lại tình trạng khẩu đại bác, dụng cụ và nhân viên khẩu đội, thời gian chuẩn bị hành quân cũng đã gần đến, tôi muốn trở về thành phố trước khi đơn vị lên đường.
Đêm Sài Gòn vẫn như mọi đêm khác, thành phố rực ánh đèn mầu, tiếng nhạc văng vẳng từ những vũ trường, phòng trà, người dân thành phố vẫn thản nhiên ăn chơi trong khi cuộc chiến mỗi ngày một khốc liệt! Ngồi trong quán cà phê với thằng bạn đêm cuối của Sài Gòn trước khi lao vào vùng lửa đạn, lòng tôi thoáng chút bồi hồi bởi vì không biết có còn được trở lại thành phố này nữa hay không? “Còn đây đêm cuối này, đàn ai réo rắc nhạc lòng chia ly”, tôi chưa có một bóng hồng cho đời, chỉ có một thằng bạn thân chia tay đêm nay, nhưng cũng cảm thấy yên lòng cho kẻ ra đi, mai đây phương trời xa xôi ấy, có kẻ ra đi sẽ quay về?
Chiếc phi cơ C-130 cuả không lực Hoa Kỳ đổ chúng tôi xuống phi trường Ái Tử với những luồng gió thổi thật buốt giá. Phi trường nằm cạnh quốc lộ số 1, chung quanh là bãi cát trắng hoang vu không một mái nhà, không biết ngày xưa người mẹ già đã từ đâu đến để ngồi trên chiếc cầu Ái Tử này khóc nhớ thương con? Nước dưới chân cầu ngập ngừng trôi như muốn niú lại những giọt nước mắt cuả người mẹ già Ái Tử cuả thưở xa xưa. Màn đêm buông xuống, chiếc lều poncho không ngăn được gió lạnh, trong đêm trường không tiếng ru Hời năm xưa mà chỉ nghe tiếng gió thổi vi vu lạnh lẽo, lần đầu tiên trong đời tôi mới biết được cơn lạnh cuả miền Trung.
Trời mờ sáng pháo đội được lệnh di chuyển lên Đông Hà một thị xã của vùng giới tuyến, “đi dăm phút đã về chốn cũ”, khu buôn bán chỉ quanh quẩn với vài con đường, một nhà ga hoang tàn, sân ga cô đơn vắng bóng con tàu kể từ khi cuộc chiến gia tăng. Tôi nhớ về căn ga nhỏ nằm cô đơn giữa đường từ Nha Trang đến Ninh Hòa trong một truyện ngắn cuả Thanh Nam "Buồn Ga Nhỏ", nhưng dù sao căn ga đó vẫn còn có niềm hạnh phúc với những con tàu đến và đi.
Ngã ba Đông Hà nếu chạy thẳng lên hướng bắc cuả quốc lộ 1 thì sẽ đến Gio Linh, còn quẹo trái là quốc lộ số 9 chạy đến biên giới Việt-Lào. Đường đi khúc khủyu quanh co, một bên là vách núi, một bên là vực sâu và nhiều lần phải đi ngang qua những con suối gập ghềnh thật gian nan vất vả, khẩu đại bác 105 ly nhiều lúc muốn chực lật nhào, quần áo mặt mũi bám đầy bụi đỏ, không biết những cô sơn nữ cuả nhạc sĩ Trần Hoàn như thế nào chứ chúng tôi toàn thân hầu như được rắc lên một lớp bột mầu đỏ. Vách núi cheo leo, vực sâu núi thẳm, đoàn quân di chuyển với tiếng động cơ cuả xe phá sự yên tĩnh cuả dãy Trường Sơn hoang vu, pháo đội dừng quân bên cạnh một con suối, mọi người thay phiên nhau đi tắm rửa rồi nghỉ qua đêm.
Đêm ngủ bià rừng, trên bầu trời đen tối lấp lánh vì sao, tiếng xào xạc cuả lá, thèm ly cà phê, điếu thuốc, nhớ mông lung về mái ấm gia đình, cha mẹ, anh em, nhớ đến lời dặn dò cuả người cha già, người mẹ ngồi trước bàn thờ tụng kinh cầu mong cho thằng con mình trở về bình yên, bạn bè đã có vài thằng ra đi khi tuổi còn thanh xuân, Minh "õng ẹo" TĐ/21BĐQ ra trường 26 ngày thì tử trận, Đồng"nhà quê" SĐ25 chết khi mối tình đầu được đúng tròn năm, Kính "con" Nhảy Dù cố gắng về, nhưng về nghiã trang! Ôi, chinh chiến đã mang đi nhiều bạn bè, ngựa hồng chưa mỏi vó nhưng đã chết trong rừng già, cánh đồng hoang vu.
Khe Sanh, nơi được cả thế giới biết đến khi một trung đoàn TQLC Mỹ và Tiểu Đoàn 37/BĐQ lừng danh cuả QLVNCH bị nhiều sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt bao vây, bây giờ lại một lần nữa được nhắc nhớ đến khi những đoàn quân của tinh nhuệ cuả QLVNCH, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Sư Đoàn Nhẩy Dù, Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân đặt bản doanh trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 tiến sang phần đất Hạ Lào. Những hố bom do B52 thả xuống chung quanh chân đồi đầy rẫy, đã có một lần vào đêm tối trời tôi đã bị rơi xuống hố, khó khăn lắm mới leo lên được. Pháo đội trong tình trạng nằm trừ bị tại Khe Sanh và bắn yểm trợ cho quân bạn, hàng ngày những loạt hoả tiễn 122 ly cuả Cộng quân rớt vào vị trí pháo đội nhưng không sự thiệt hại nào đáng kể.
Từng đoàn trực thăng tải thương mang những thương binh trở về từ mặt trận, bệnh viện dã chiến đầy nghẹt không còn chỗ chứa, bên cạnh đó là những bao đựng xác người nằm đầy ngang hông bệnh viện! Trận chiến mỗi ngày một khốc liệt, bởi vậy số thương vong cũng lên cao, thằng bạn thoát về được mừng tủi kể lại trận đánh và cũng có những thằng bạn của Đồng Đế năm xưa đang im lìm nằm trong bao xác! “Ngày mai trong đám tử sĩ ấy, có kẻ đi về nơi nghiã trang”! Cuộc hành quân chấm dứt, tôi mất đi một số bạn bè và người quen, kỷ vật cho người còn sống là ngôi mộ vừa được lấp kín trong nghiã trang, em hỏi anh bao giờ trở lại? Câu trả lời chỉ là đau thương và mất mát.
Động Ông Đô mây mù dày đặc, thỉnh thoảng có những ngày bầu trời trong sáng, xa xa dãy Trường Sơn chập chùng xanh thẫm khiến tôi nhớ về nơi quân trường cũ có tượng người lính và Dục Mỹ với những ngày kéo súng đi thực tập ở xạ trường có đồi núi chập chùng vây quanh, con suối Dục Mỹ róc rách chảy len lỏi qua những tảng đá làn nước lung linh lấp lánh dưới ánh mặt trời, người tình cũ khi chợt nhớ về cố nhân đã thầm mong một lần nào đó cho gặp lại nhau, riêng tôi, mong một ngày nào đó cho tôi trở về miền thuỳ dương cát trắng năm xưa để nghe sóng vỗ Đồng Đế, tiếng suối chảy cuả Dục Mỹ và ngồi lặng yên trên bãi cát trắng với những con sóng nhấp nhô ngoài khơi cuả Nha Trang ngày về, mười hai tháng anh đi, đi mãi chưa biết bao giờ trở về.
Đỉnh núi Sarge cao ngất, nhìn xuống là quốc lộ số 9 chạy ngoằn ngoèo như con rắn, Cộng quân bắt đầu pháo kích dồn dập vào vị trí pháo đội để gây trở ngại việc yểm trợ cho quân bạn đang bị chúng tấn công bên căn cứ Bá Hổ. Khẩu đại bác của tôi bị 3 trái đạn súng cối 82 khiến hai bánh súng trúng mảnh đạn bị xẹp, chúng pháo tới tấp, vừa chạy vào hầm thêm 2 trái nổ tung trên nóc hầm, tôi không bị thương nhưng hai tai thì ù đi, nghe tiếng rên la của một người lính, tôi nhào đến xem, máu chảy ướt đẫm trên vai, tôi báo cáo lên đài tác xạ cho y tá xuống băng bó cho người lính bị thương và cũng cho biết tình trạng khẩu đại bác, thằng bạn làm trưởng đài tác xạ hỏi một câu thật ngớ ngẩn:
_Súng còn có thể tác xạ được không?
Tôi nổi nóng văng tục, chán quá! Sau cuộc pháo kích cuả Cộng quân, kiểm điểm lại quân số thì có 3 binh sĩ bị thương, không có thương vong nhưng khẩu đội cuả tôi thì bị nặng nhất bởi ngay tầm bắn cuả chúng và ngay ngày hôm sau một toán quân cụ được trực thăng bốc lên núi để sửa chữa lại khẩu đại bác và gỡ một trái đạn không nổ còn nằm dưới gầm súng.
Đầu mùa Xuân năm 1972, pháo đội đóng trong căn cứ C1 Gio Linh, Gio Linh nghèo nàn, xơ xác, cứ mỗi buổi sáng từng đoàn người kể cả trẻ em dẫn nhau lên núi, và vào khoảng xế bóng ra về với những bó củi trên lưng, thấy vậy tôi xin phép cấp trên những ống đựng đạn được quấn bằng giấy dầu không thấm nước thay vì đem đổ đi thì nên cho họ, được sự chấp thuận nên cứ mỗi lần khui đạn những ống đựng đạn đó tôi nói với người tài xế cuả khẩu đội mang ra cho họ. Chiều ba mươi Tết cuả miền điạ đầu giới tuyến, mặt trận tạm yên, hưởng không khí muà Xuân với đồng đội trong khi những người dân Gio Linh vẫn từng đoàn người lầm lũi vào dẫy Trường Sơn để kiếm sống. Ôi, quê hương Việt Nam sao có những nơi lầm than đói khổ như thế này!
Quảng Trị muà Hè đỏ lưả bắt đầu khi những sư đoàn Cộng quân Bắc Việt cùng với xe tăng đại pháo vượt sông Bến Hải ồ ạt tấn công miền địa đầu giới tuyến. Những căn cứ tiền đồn lần lượt thất thủ! Trong thời gian ấy, đơn vị chúng tôi đang đóng trong căn cứ cuả một trung đoàn bộ binh, vị trí pháo đội bị Cộng quân pháo tới tấp nhưng chúng tôi vẫn cố gắng bắn yểm trợ cho những đơn vị bạn, bất ngờ khẩu đội được lệnh chuyển hướng bắn và mục tiêu là cầu Đông Hà. Cầu Đông Hà trong tầm mắt nhìn nên tôi thấy khói và bụi mù tung trời sau đó được lệnh kéo súng về vị trí mới. Trên đường đi, dọc theo quốc lộ số I, từng đoàn người dân gồng gánh nối đuôi nhau chạy về Huế. Từ căn cứ Hoà Mỹ, phaó đội yểm trợ suốt đêm cho một đơn vị bạn trong căn cứ Phượng Hoàng đang bị Cộng quân tấn công bằng xe tăng và đại pháo.
Vì áp lực cuả địch, chúng tôi về đóng tại cây số
17 (thời gian này Sư Đoàn Dù chưa ra tham chiến) là một căn cứ cũ
cuả quân đội Mỹ và con sông Mỹ Chánh trở thành tuyến đầu cực Bắc cuả
miền Nam. Vị Lữ Đoàn Trưởng của LĐ/369/TQLC, Đại Tá Phạm Văn Chung,
đã chận đứng được sự tấn công cuả cộng quân tại con sông này. Cảnh
hỗn loạn chấm dứt, trật tự đã được tái lập và sau đó cũng từ con
sông Mỹ Chánh này Thuỷ Quân Lục Chiến Việt Nam đã làm nên lịch sử
khi cắm lá quốc kỳ cờ vàng ba sọc đỏ trên cổ thành Quảng Trị lừng
danh trong quân sử. Hải Lăng, một đoạn đường dài hơn 10 cây số đầy
xác người nằm trên mặt lộ và hai bên đường bởi cuộc phaó kích cuả
giặc thù! Giới truyền thông Tây phương đâu rồi? Cô đào chiếu bóng
Jane Fonda đâu rồi? Cả bọn mất dạng bởi cảnh tượng tàn sát khủng
khiếp dã man trong loài người do những "người bạn" cuả đám phản
chiến gây nên, đoạn đường này sau đó đã được một nữ ký giả Việt Nam
gọi là:"Đại Lộ Kinh Hoàng" và người đó là nhà báo Trùng Dương .
Từ hương lộ 555, pháo đội tôi di chuyển đến đóng tại cầu Vân Trình,
sau đó di chuyển qua đóng bên cạnh con sông Vĩnh Định để bắn yểm trợ
cho các đơn vị TQLC đang tiến về thành phố Quảng Trị. Trận chiến mỗi
ngày một gay go. Vào một buổi chiều khi trời vừa chập choạng tối,
Cộng quân pháo trúng kho đạn cuả pháo đội, tiếng đạn nổ long trời
cho đến gần nửa đêm mới dứt. Một số đồng bào đồng bào được giải
thoát từ phiá Bắc chạy về hướng vị trí pháo đội, tất cả mọi người đã
được anh em chúng tôi mang lương khô gạo xấy ra phân phát.
Dòng sông Vĩnh Định vẫn trôi chảy hiền hoà nhưng trận chiến thì mỗi ngày một đẫm máu, đoàn người lánh nạn vẫn mong mỏi chiến trận lắng dịu để họ trở về nơi quê cha, đất tổ cho dù trong cảnh hoang tàn và đổ nát,Việt Nam ơi! Hoà Bình ơi! người người đã trông đợi từ lâu và biết bao giờ đến.
Qua cầu Phong Điền, hướng lên phía Bắc, bên tay trái có một con đường mòn dẫn lên ngọn đồi nhỏ là nơi pháo đội tôi đóng quân, đang gióng hướng súng thì Cộng quân pháo kích tới tấp, người nhắm viên cuả khẩu đội bị một mảnh đạn đại bác 130 ly ghim vào đầu, óc văng tung toé! Tôi chạy đến xem, trên khuôn mặt cuả người nhân viên, bầy nhầy máu và óc, một bên mặt đã mất chỉ còn là một lỗ sâu hoắm, anh nằm xuống như một lần vào viễn du! Không phải như vậy, bởi vì anh đã chết, chết một cách thảm khốc cho cuộc chiến này, "ngọn đồi máu" đúng vậy, vì trước đó vài ngày một thằng bạn học của thời niên thiếu cũng đã chết tại ngọn đồi này. Cơn mưa bất chợt đổ xuống, những giọt mưa ướt đẫm trên mặt xen lẫn nước mắt để khóc thêm lần thứ hai cho hai người vừa nằm xuống trên cùng một địa điểm. Ở một phương trời xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long, có một người vợ trẻ vừa trở thành goá phụ khi hình hài người chồng đang trở về trong "Hòm gỗ cài hoa".
Tôi trở về Sài Gòn với tấm giấy phép thưởng hành quân 7 ngày, bước lên thềm nhà, người mẹ già ngỡ ngàng nhìn con, thằng con lính vừa từ mặt trận trở về. Tin tức về chiến sự hàng ngày đã làm bà lo sợ, có lần một thằng bạn bị thương trước khi được chuyển về bệnh viện Lê Hữu Sanh, tôi có nhờ nó đến nhà để báo cho gia đình tôi biết là tôi vẫn bình yên, nó chống nạng khập khiễng đến gõ cửa, thấy bóng dáng người lính Mũ Xanh áo rằn ri, mẹ tôi ngất xỉu. Vài ngày ở Sài gòn, Sài gòn hoa lệ, Sài gòn muôn mầu vẫn sống trong cơn thác loạn trong khi đó thì trên những đèo cao hút gió, rừng sâu núi thẳm, từng giây phút trôi đi có những người lính vô danh âm thầm gục ngã rải rác trên khắp mảnh đất quê hương.
Cơn mưa Sài gòn bất chợt đổ xuống, tôi chui vào một quán cà phê trú mưa, tiếng hát của cô ca sĩ đang ca ngợi lính, không biết nàng hát cho lính loại nào? Một giấy tính tiền được đưa ra có tính thêm khoản tiền uỷ lạo chiến sĩ tiền tuyến, ôi sao quái đản thế này! Một thằng lính từ mặt trận trở về lại phải uỷ lạo tiền tuyến! Tôi nổi nóng thật sự, không phải cái khoản tiền uỷ lạo mà là lối làm ăn quái gở của ngành chiến tranh chính trị.
Tôi đến gõ cửa nhà bạn, mẹ bạn bước ra với ánh mắt thật buồn, im lặng không nói chỉ đưa mắt nhìn lên bàn thờ, áo hoa dù trong khung hình bán thân lung linh theo làn khói hương, bạn tôi đó! Một thời ngang dọc với những địa danh đẫm máu, bị thương ba lần không chết, mỗi lần gặp nhau trong cơn say nghêu ngao hát “anh không chết đâu em!” và bây giờ thì nó không còn để mà hát điệp khúc này nữa, thắp cho bạn nén nhang, khói nhang màu trắng đục bay tỏa lững lờ như hồn nó đang chập chờn trong nghiã trang có tượng người lính Thương Tiếc. Bạn tôi đó đang say ngủ yên và bạn nó những người còn sống vẫn miệt mài với cuộc chiến đầy đau thương và thảm khốc này.
Giọt nắng soi ngang thềm nhà, người mẹ già yên lặng ngồi đó đã lâu, đã bao nhiêu lần như vậy cứ mỗi lần thằng con trở lại chiến trường bà đều ngồi âm thầm khấn nguyện. Bóng dáng người lính Mũ Xanh áo rằn ri khuất lần sau cánh cổng, người mẹ già vẫn còn đó, bà mong mỏi bước chân bình yên cuả con mình sẽ theo dấu lối về, cuộc chiến này sẽ có ngày tàn nhưng rồi có biết bao người đi và mấy người trở lại?.
Viết để tưởng nhớ đến những đồng đội, bạn bè của
tôi đã nằm xuống cho một cuộc chiến đầy máu lửa đau thương này.
PT MX Phạm Thành Nhân
TĐ.3/PBTQLC
471 của tôi, Đại đội C của tôi
Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời
Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ
Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN
Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng
ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202
Dấu chân người lính Pháo Thủ MX
Một thời để yêu, một thời để nhớ
Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương
Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng
471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi
Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972
Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN
Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị
Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969
Trại Thanh Cầm và dòng sông Mã
Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC