Đồ Sơn Ngô Văn Định
Tôi có mấy người em nhỏ, các em thỉnh thoảng về chơi, bảo tôi kể
chuyện đời lính cho nghe. Tôi ngại, mình chưa lão nhưng cũng đã già
rồi, nói năng đôi lúc bị cho là lẩm cẩm, khó chịu, e các em không
hiểu rõ lại nghĩ ngợi đâm buồn phiền, ảnh hưởng tình anh em, nên cứ
tìm cách từ khước. Một hôm có em bảo:
_ “chuyện đời lính của anh chúng em chả biết gì, chỉ biết anh đi
lính hành quân biền biệt. Nếu anh không kể, mai sau các cháu lớn lên
muốn tìm hiểu chuyện cha, ông đi lính Việt Nam Cộng Hoà bảo vệ đất
nước thế nào chẳng ai biết gì mà kể. Nhỡ các cháu đi đọc sách Mỹ thì
chỉ thấy toàn chuyện lính Mỹ đánh nhau với Việt Cộng thì hỏng.
Nghe xong thấy em cũng có phần hữu lý. Bởi thế nên có ít chuyện tâm
sự với các em, kể các em nghe chuyện ngày xưa lính Thuỷ Quân Lục
Chiến thế nào. Vậy thôi, chứ tôi chẳng có tham vọng viết sách, làm
chuyện văn chương gì. Chỉ là tâm sự vài chuyện xưa cho các em vui.
Mong đừng ai hiểu lầm.
Cám ơn. (ĐS)
***
Đời quân ngũ của tôi gắn liền với Đại Úy Nguyễn Thành Yên, sau này
ông là Đại Tá TLP/SĐ/TQLC. Kế đến là Thiếu Tá Tôn Thất Soạn, ông đã
nhiều năm chỉ huy Chiến Đoàn B, Lữ Đoàn B rồi Lữ Đoàn 258.
Hồi làm việc với ông Yên, thật sự mà nói, ông Yên giao hết mọi
chuyện cho tôi là Trưởng Ban 3. Khi nào quan trọng lắm thì ông mới
trực tiếp giải quyết.
Một hôm có một anh trung sĩ làm gì lôi thôi ở
ngoài chợ Kontum, ông Già gọi vào trình diện. Ông không đánh roi nào
mà lại đánh bằng … nhu đạo. Thay vì nhường cho ông Già, mình chịu
thua đi thì êm, đằng này, anh ta lại là võ sĩ nên gài cho ông Già
té. Thế là ông Già nổi giận đét cho mấy hèo làm mọi người cười ầm cả
lên. (Anh HSQ/ TĐ2 Trâu Điên này tên là Phạm Văn Hai sau là Thượng
sĩ, trưởng toán cận vệ cho Thiếu Tướng Tư lệnh Bùi Thế Lân. Anh Hai
hiện giờ ở VN, thỉnh thoảng có gọi điện thoại sang thăm, và tôi
thỉnh thoảng có gửi tặng anh ít tiền để đi cà phê cà pháo).
Đại Uý Yên TĐT/TĐ2 bị thương nặng năm 1960 ở Cà Mau, lúc này Trung
Úy Soạn làm TĐ Phó. (Ông Yên bị thương nặng, đúng luật thì tiểu đoàn
phó lên thay hoặc XLTV. Đằng này không hiểu sao lại khác. Trung Uý
Dương Hạnh Phước khoá 10 Đà Lạt đang làm Tiểu Đoàn Phó ở TĐ1, về làm
XLTV thay ông Yên, còn ông Soạn vẫn ở TĐ2 làm TĐP. 6 tháng sau ông
Già Yên lành vết thương trở về thì ông Phước về lại TĐ1, và ông Soạn
tiếp tục làm phó cho ông Yên). Trận này ông Yên được Đệ Ngũ Đẳng
BQHC. Theo tôi thì có lẽ đây là huy chương đệ ngũ đẳng đầu tiên
trong Binh Chủng TQLC. Kế đến là các ông Chùa, Bắc Ninh, Phạm Nhã và
ĐS năm 1963 sau chiến thắng Đầm Dơi.
Năm 1960 TĐ2 có cuộc hành quân ở Kontum Tân Cảnh (hành quân bảo vệ an ninh cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến kinh lý Tân Cảnh). TĐ vào sâu trong núi, mang theo 7 ngày lương thực. Đến khi chưa có lệnh ra, hết lương thực, mà trời mưa tầm tã nên không có C47 thả dù tiếp tế, cả TĐ nằm dài chịu đói bên bờ sông chờ tiếp tế. Một hôm có 1 tên Thượng cộng đi qua chỗ Tiểu đoàn đang nằm chờ tiếp tế, ĐS thấy thằng Thượng cộng này đi tới, cũng chẳng muốn bắt nó làm gì (nó có súng nhưng chỉ 1 mình nên thấy mình nó cũng sợ). ĐS kêu lại, nó cũng biết chút chút tiếng Việt. ĐS đưa cho nó 20 đồng bảo đi mua dùm vài ký gạo. Nó cầm tiền đi 2 ngày rồi trở lại với 1 túi gạo và thóc lẫn lộn. Thầy trò đem nấu cháo ăn cũng ấm bụng (tuy khó nuốt vì lẫn thóc bị mắc cổ). Anh em binh sĩ thì thỉnh thoảng thảy 1 trái lựu đạn xuống sông làm 1 ít cá và rau rừng nấu ăn lót dạ chờ.
Mấy ngày sau có C47 thả dù thực phẩm nhưng phần
lớn bị rơi lạc xuống sông, vì trời mưa lớn, nước sông chẩy xiết, nên
bị cuốn đi mất. Còn lại một ít nhặt được thì chia cho anh em. Ăn no
quá, thì anh em lại bị … bội thực, một số bị bệnh đến nỗi cần tản
thương (bệnh thật cũng có mà bệnh giả cũng có.) Khổ nỗi là phải làm
bãi đáp cho trực thăng. Trên rừng cao nguyên chặt cây bằng tay khó
nhọc như thế nào thì khỏi nói anh em đều biết.
Ông Già Yên thưòng không ngủ chỗ nào nhất định, thích chỗ nào ông
mắc võng lên ngủ chỗ đó. Một đêm trưởng toán gác đi gọi người thay
phiên gác. Đến ngay chỗ võng ông Yên ngủ anh nói lớn "Ê, dậy gác đi
mày, quá giờ rồi”. Không thấy người nằm võng trả lời, anh ta nổi
nóng la " Đ.M có dậy đổi gác không ông cho mấy đá bây giờ”. Thế
nhưng người trong võng vẫn nằm yên, anh này bèn mở mền đắp trên võng
ra lấy tay xoa vào đầu tính để gọi cho anh này dậy gác. Khi xoa đầu
thấy … đầu không có tóc, anh này biết ngay đó là ông TĐT, vì cả TĐ
chỉ có 1 ông Già Yên là trọc đầu. Anh hốt hoảng chạy ngay đến nói
với ĐS “Chết em rồi, em gọi gác nhằm phải ông Già. ĐS cứu em”. ĐS
nói không sao, tại ông ấy hay ngủ lang thang nên nhầm thôi, đâu có
cố ý mà lo.
Sáng dậy ông Yên cười và nói " Đêm qua có đứa nào gọi tôi đi gác".
Năm 1963 hành quân Sóng Tình Thương ở vùng 4. Đi hành quân, các đại
đội đi trên bờ kinh, còn ông Yên và ban 3 đi xuồng 3 lá. Trên bộ vì
đi phải mở đường nên chậm, còn dưới xuồng ông Già Yên và biệt kích
chèo nên xuồng đi nhanh, nên kể như là tiểu đội đi tiền phong. Ông
Già còn phụ lấy tay kéo cỏ để cho xuồng đi mau hơn. Nhè đâu ông kéo
đúng cây súng trường của 1 thằng VC nằm núp dưới bờ kinh. May mà nó
không bắn, nếu nó liều bắn đại là ông Già đi luôn rồi!
VC pháo cối 61 ly vào khu phố chợ Tân Ân, ông Yên
cứ thủng thẳng “đi đâu mà vội”. Ở đây là phố của người Tàu bán những
hàng hoá gia dụng. Đang pháo kích thì có 2 sĩ quan khoá 16 Đà Lạt là
Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Văn Kim về trình diện TĐ. Ông Yên nói
“Cậu cho 2 ông này về với ông Chuà và ông Bảo”, ĐS thi hành ngay.
Hết pháo kích, ĐS đi tìm ông Già để báo cáo là đã đưa 2 tân SQ về
đại đội, tìm mãi mới thấy ông Già Yên và Cố Vấn trưởng tại 1 căn nhà
của người Tàu trong phố. Bước vào thì thấy ông Già đang huấn luyên
cho ông Đại Úy Cố vấn tập bắn “Bazooka”. Nể tình ông Già, anh Cố Vấn
nhận thực tập (có lẽ vì cũng tò mò, ngàn năm một thuở bỏ uổng). Mới
tập nên CV ói tùm lum, còn ông già bình an vô sự!
Năm 1964, TĐ2 của ông Già Yên và TĐ4 của Đại Úy Lân hành quân trực
thăng vận vào mật khu Đỗ Xá, TĐ2 đổ trước, TĐ4 đổ sau. Hành quân vào
vùng Quảng Tín của Quế tướng công, chạm địch lẻ tẻ, phá được nhiều
căn trại và bệnh xá. Rừng Quế nên dù ăn uống không vệ sinh cũng
không sợ bị Tào tháo đuổi vì có quế làm bùa hộ mạng.
Sau gần 1 tháng hành quân, lẽ thường tình là khi
đi thì bao nhiêu trực thăng cũng có, còn khi về thì bộ chỉ huy hành
quân nói là không đủ trực thăng nên một tiểu đoàn phải đi bộ ra. Ông
Già tôi mau mắn tình nguyện ngay không cần chờ lệnh trên chỉ định
tiểu đoàn nào ra bằng trực thăng, tiểu đoàn nào phải đi bộ. Chắc là
cũng khó cho BCH quyết định, nên đàn anh nhường đàn em, 2 nhường 4.
Đi bộ qua rừng quế, suốt dọc đường anh em tha hồ lấy vỏ quế. Đứng
núi này trông núi nọ cao hơn, cứ lấy đầy túi rồi khi thấy cây quế
khác to hơn lại bỏ thứ non lấy thứ già ... cho cay hơn. Cứ vậy suốt
dọc đường. Có anh vừa vứt bỏ hết lần cuối thì ra tới lộ. Thế là sôi
hỏng bỏng không, cười ra nước mắt. (ĐS cũng là một người lâm vào
cảnh này, hành quân qua rừng quế về mà trắng tay không có quà cho
người ở hậu phương. May mà có anh em thương cho một ít để làm quà
không phải mua!).
Năm 1965 TĐ2 đánh trận Phụng Dư, khi đó tôi là Đại Đội Trưởng ĐĐ4.
Tôi cắt 1 tiểu đội đi phục kích xa. Tiểu đội này do HS1 Luạ chỉ huy,
anh là 1 MX giỏi. Đêm hôm ấy 8/4 khoảng nửa đêm thấy VC đông quá,
anh cho anh em rút lui về đằng sau gần quân bạn. Đúng vào đêm 30 âm
lịch trời tối, tiểu đội vào trong nhà dân thay quần áo lính, cất dấu
quần áo giầy trận, lấy quần áo thường dân của chủ nhà ra mặc. Sáng
ra khi trận chiến kết thúc, ĐĐ4 đi truy kích và bắt được 1 trung đội
VC chưa kịp rút đi, thấy trong nhà gần đó có người lố nhố mặc toàn
đồ trắng. Vào khám xét thi bắt được... 1 tiểu đội TQLC. Hóa ra vì
trời tối, vào ngay nhà dân vừa mới có tang lễ nên đã ngụy trang
thường dân bằng quần áo tang mà đến sáng mới biết.
Anh em lại cùng cười đến chảy nước mắt.
Xin chào tất cả anh em MX,
Chân thành cám ơn lòng quý mến của anh em MX khắp nơi gửi thư về cho
biết [sau khi Đồ Sơn nhờ Hùng Ó Biển đưa giùm vài mẩu chuyện vui
buồn đời lính (già) lên mạng]. ĐS nhớ đâu viết đấy, chẳng có thứ tự
thời gian. Mong anh em thông cảm cho tuổi già. ĐS.
*
Vẫn chuyện ông Già …
Hành quân trời nắng, mệt ngồi nghỉ, ông Già thấy có đống lá cây bèn
ngồi lên cho sạch và êm. ĐS đi ngang nhìn thấy sao dưới đống lá mà
ông Già đang ngồi lại có sợi dây bèn kéo ông Già đi ra và cho Công
Binh đến xem. Mọi người ngỡ ngàng khi thấy dưới đống lá có một trái
mìn to bằng cái Pizza và sợi dây là để điều khiển cho mìn nổ từ xa.
Công Binh bèn tháo gỡ. Nếu quả mìn này mà phát nổ khi ông Già đang
ngồi trên đó thì 100% là ông Già bay đi luôn không còn biết tìm đâu
ra vì nát băm như như thịt làm Pizza. Chắc VC chưa gài xong thì mình
đến. Hú vía, cũng còn may. Chuyện ông Già đi coi cải lương 1 mình
một xuất (anh em nào ở TĐ2 cũ cũng biết).
Lúc TĐ2 hành quân ở Cà Mau gặp đúng dịp có đoàn
cải lương có mặt hát cho đồng bào nơi tận cùng của đất nước xem. Dân
chúng ít khi có dịp được thưởng thức nên kéo nhau đi xem rất đông.
Ông Già cũng muốn đi xem nhưng đông quá. Giám đốc đoàn thấy thế đề
nghị sau xuất hát cho đồng bào xem sẽ hát riêng xuất thứ hai cho anh
em TQLC. Ông Già vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên đêm khuya chỉ có một số
rất ít đi xem được, còn thì đa phải ở đơn vị lo canh gác làm sao mà
đi xem được. Thế là rút cục chỉ có ông Già và 5, 7 anh em đi thôi.
Coi như xuất hát diễn riêng cho một mình ông Già và đoàn cũng vẫn
hát nguyên vẹn cả chương trình chứ không cắt bớt phần nào. Ông Già
vui lắm. Một mình một rạp không phải chen lấn với ai. Thành thử anh
em nói “ông Già đi xem là đoàn hát phải hát cho một mình ông Già xem
mà thôi.” Đầu đuôi câu chuyện là như vậy.
\Năm 1967, Chiến đoàn B hành quân ở Tam Quan Bồng Sơn. TĐ2 hoạt động ở
vùng dương liễu khu gần bờ biển. Hàng ngày BTL/SĐ1 Không Kỵ Hoa Kỳ
có cho Chiến Đoàn B dùng 1 trực thăng để bay quan sát và thăm viếng
các đơn vị. Một hôm Sàigòn và Cố vấn đi thăm TĐ2 ở gần biển có làng
chài lưới. Sàigòn xuống thăm TĐ2, thì phi công cũng lợi dụng cơ hội
này muốn xuống chụp hình xem dân cho biết sự tình. Làng chài có cá
bống mú tươi nên anh em TĐ2 nấu ngay một nồi cháo cá ngay tại bờ
biển tiếp đãi Sàigòn, Cố vấn và phi công. Phi công còn xin Sàigòn
cho tắm biển rồi mới về. Mọi người đều vui vẻ. Tiền rừng bạc biển
cũng không được ăn cháo cá ở ngay bờ biển như vậy
Cũng vẫn năm 1967 hành quân ở Tam Quan, Bồng Sơn, TĐ2 đóng quân nơi rừng dừa mênh mông. Trong khu vườn dừa có một nhà thờ công giáo cũng khá lớn, BCH/TĐ đóng trong nhà thờ nơi một góc gần cửa ra vào. Việt cộng ở đây tương đối hoạt động mạnh. (Tháng 2 năm 1966, TĐ2 do Thiếu tá Lê Hằng Minh chỉ huy đã đụng VC ở làng An Qúy. Sau trận này TĐ2 về Hậu cứ và bắt đầu được chấp thuận mang phù hiệu Trâu Điên trên tay áo. Tiếp theo thì các TĐ khác cũng có phù hiệu riêng từ đó).
Có đêm ĐS nằm ngoài hè, lúc này chưa dọn hẳn vào
trong nhà thờ. ĐS đang đọc sách, không biết làm sao mà du kích len
lỏi vào gần và bắn bể bóng đèn nhỏ thắp bằng pin rồi nó bỏ chạy.
Sáng hôm sau ĐS cho sơn trắng hết thảy những gốc cây trong rừng dừa
bằng vôi để ban đêm dễ quan sát .
Có một đêm thức dậy lúc 1 giờ sáng, (ĐS có thói quen dậy nói chuyện
với anh em gác để họ không buồn ngủ), mới ra khỏi cửa chính nhà thờ
thì nghe 1 tràng AK nổ dòn. Có lẽ thằng VC vừa bắn vừa run và trờí
độ nên không trúng ĐS. Bắn xong nó chạy biến mất, tất cả anh em đều
thức đậy báo động. Khi tìm lính gác thì lính gác không thấy đâu,
chắc là đã bị chúng bắt đem ra ngoài hàng rào mất rồi và VC đã gác
thế cho đồng bọn vào. May mà mình phát giác kịp chứ không thì chắc
là tiêu tùng vì giờ ấy anh em thường ngủ như chết!
Ít ngày sau TĐ2 về đóng quân gần Chiến Đoàn B của Trung Tá Soạn ở đồi 10 Dương Liễu. ĐS đi xuống Chiến Đoàn họp, cho tài xế Danh lái một mình về TĐ ăn cơm, vì hai nơi cách nhau chỉ khoảng nửa cây số. Trời còn sáng, HS1 Danh lái về dọc đường thì bị VC phục kích. VC nhắm vào xe của ĐS thế nhưng ĐS lại chưa về! Chúng bắt HS1 Danh và giết anh khi bị tiểu đoàn đi giải cứu truy tìm.
Vài ngày sau TĐ2 hành quân phối hợp với 1 Tiểu đoàn của Sư Đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ (1st Cav). Trâu Điên đổ trực thăng trước, xong mới tới TĐ Không Kỵ Mỹ đổ sau. Viên Tiểu đoàn trưởng đơn vị này xuống trước tiên. Một chiếc trực thăng vừa đổ quân Mỹ xong cất cánh lên thì có 1 anh lính Mỹ bị cướp cò súng. Phi công tưởng bị VC bắn lên, quay lại xả súng làm viên TĐT Mỹ chết ngay tại chỗ. Rồi cũng chiếc trực thăng đó xuống đem xác ông này đi!
TĐ di chuyển sâu vào rừng gặp một doanh trại khá lớn của VC. Cạnh đó có một chiếc trực thăng trông còn như mới bị dùng làm… phòng tắm cho mấy VC “gái”. Quần áo lót thiếu vải đủ màu phơi đầy trên trực thăng! Lục soát kỹ nhưng chỉ thấy hầm tránh bom chứ VC thì đã chạy thoát vào rừng hết.
Trong trận Chiến Đoàn B, TĐ2 và TĐ3 vào giải tỏa áp lực địch đè nặng lên quận An Lão, đại đội đi đầu thấy chuối chín, anh em xúm lại làm thịt buồng chuối. Nhè đâu có tổ ong vẽ ở đó, cả TĐ bị ong rượt chạy có cờ. Mấy Cồ Vấn Mỹ cũng chạy né ong thục mạng, nhưng bù lại được ăn chuối thay cơm.
Cuộc hành quân … có hậu!
Sau Tết Mậu Thân đợt 1 ở Sài Gòn, TĐ2 và TĐ3 cùng Chiến Đoàn B của
Trung Tá Tôn Thất Soạn hành quân vùng 4. Được về Cần Thơ nghỉ quân,
TĐ2 và TĐ3 đóng quân ở Rạch Ngỗng. Ở nơi đặt BCH/TĐ, ĐS xin chủ nhà
một chỗ để kê chiếc ghế bố nơi góc phòng khách. Nhà có nhiều con gái
nên ông bà chủ nhà luôn phải xem chừng (mấy ông lính). Sau vài lần
trò chuyện, ĐS biết gia chủ là ông bà Đốc phủ sứ Huỳnh Văn Liêm.
Ngược lại, sau vài ngày tạm trú, tiếp xúc qua lại, ông bà cũng có
cảm tình với ĐS. Thấy nhà ông bà có đến 5 cô con gái ai cũng dễ
thương, ĐS nghĩ tới ông Sàigòn lúc ấy vẫn còn độc thân. ĐS kiếm cớ
mời SG đến họp tại nhà và giới thiệu SG với ông bà. Đến lúc này thì
ông bà đã dành cho SG và ĐS một tình cảm đặc biệt, coi như người
trong nhà. Thỉnh thoảng ông bà lại mời cả SG lẫn Bắc Ninh đến nhà
dùng cơm gia đình. Buổi tối thì ĐS cũng hay mời SG lại chơi để … cà
phê trò chuyện, khi đó ông bà cũng đã cho các cô con gái xuống phòng
khách. (Hồi mới tới thì ông bà bắt các cô phải lên trên lầu hết,
không ai được xuống phòng khách). Thời gian ở Rạch Ngỗng cũng lâu,
lúc nàythì Sàigòn đã để ý đến cô là cô giáo dậy Pháp văn. ĐS lúc đó
đã có gia đình rồi, nên chỉ ra sức… làm bia đỡ đạn cho Sàigòn, tận
dụng mọi cơ hội nói chuyện về SG cho ông bà nghe để gây lòng tin
tưởng cho gia đình với ông. (Cũng dễ hiểu khi ông bà phải lo điều
tra tường tận vì thời ấy kiếm đâu ra một ông Trung Tá trên 30 tuổi
rất đẹp trai mà vẫn còn độc thân!)
Sau này, khi Chiến Đoàn B về hậu cứ thì SG tổ chức đám cưới với con gái của ông bà, người mà ĐS giới thiệu. Đám cưới đông đủ thân nhân, bạn bè tổ chức tại Câu Lạc Bộ Sóng Thần trong trại Nguyễn Văn Nho Thị Nghè. Cô dâu là cô giáo dạy Pháp văn có tên gồm cả 2 cuờng quốc trên thế giới (Mỹ Nga). Bây giờ thì SG và cô giáo xưa cùng gia đình cả con gái, con rể và cháu ngoại định cư tại Iowa . Kỷ niệm hành quân kết thúc vui, thật là cuộc hành quân có hậu!
Phần Bắc Ninh giờ này có thể BN đang lang thang ở
Thủ Đức, ra quán 3 con Gà Quay nhậu với anh em Sói Biển, hoặc ra Tân
Tiến nhậu lươn um với Trâu Điên, hoặc biết đâu BN làm một ít ngày
phép xuống thăm lại Rạch Ngỗng ở Cần Thơ để tìm lại kỷ niệm của
những ngày chinh chiến cũ.
Khiêm Hanh rồi Bời Lời.
Sau Mậu Thân ở Saigon, tháng 9/68, TĐ2 đi Khiêm Hạnh Tây Ninh, ngày
14/9/68 đụng mạnh vói TĐ 14 D chủ lực VC ở Tây Ninh, trực thăng vận
đổ quân ĐĐ1 của Đ/Úy Tô Văn Cấp xưống đầu tiên, vừa xuống là đụng
nặng ngay tại mục tiêu Cầu Khởi, ĐĐ2 của Đại Úy Trần Kim Đệ đi giải
cứu. (Trước đó mấy tháng khi ĐĐ2 bị bao vây ở Phú Lâm trong kỳ Mậu
Thân 2 thì ĐĐ1 của Đại Úy Cấp đã chạy từ Gia Định xuống Phú Lâm giải
vây cho ĐĐ2. Gần 200 VC chết trong trận Mậu Thân ở Phú Lâm. Trong
trận này CV của ĐĐ2 là Carl White bị 1 viên AK vào trán nhưng may
nhờ nón sắt nên chỉ bị thương không nặng lắm, và CV White được thăng
cấp đại úy tại mặt trận, 1968)
Sau 3 ngày đụng trận Cầu Khởi xong thì Trâu Điên hành quân ở Bời Lời, chiến khu D, ĐS đang ngồi trên trực thăng để chỉ huy cuộc đổ quân. Lại ĐĐ.1 đổ đầu rồi tới ĐĐ.3 của Đ/U Trần Văn Thương, 2 đại đội này vừa xuống mục tiêu là đụng nặng ngay tại bãi đáp, địch có súng phòng không, bãi đáp không còn an ninh nên TĐ (-) chưa xuống được. Nội trong một buổi sáng mà ĐĐ1 của Đại Úy Tô Văn Cấp phải thay Cố Vấn đến 3 lần. Lần đầu Cố Vấn bị thương rồi tải thương. Đến lần thứ 2 thì ĐS nhận được phiá Mỹ cho biết là sẽ có Cố Vấn đến thay thế cho viên CV mới được đưa ra khỏi vùng HQ. ĐS báo Đại Úy Cấp chuẩn bị một trái khói vàng làm dấu cho trực thăng xuống. Trong lúc điện đàm vô tình không ngụy hóa công điện nên bị VC nghe được. Khi ĐĐ1 ném trái khói vàng, VC cũng ném khói vàng. Trực thăng thấy 2 nơi có khói vàng cùng bốc lên, phi công tưởng cả 2 nơi cùng là của bạn. Ai nhè một điểm là của VC và trực thăng đã thả CV này vào ngay khu của VC. Vừa xuống đất anh Đại Úy CV bị VC bắt ngay. Từ trên trực thăng, ĐS nhìn thấy rõ máy bay đã đáp nhầm chỗ vào nơi không có quân bạn. Tuy nhiên vì VC không chuẩn bị kịp nên trực thăng chỉ thả CV rồi cất cánh an toàn. ĐS quan sát thấy rõ anh CV bị VC kéo vào bià rừng bèn liên lạc báo Đại Úy Cấp cho ngay một trung đội đi giải cứu. ĐĐ1/TĐ2 đã làm hết sức mình và bên ta không có ai bị thương. May là cứu lại được anh CV từ tay VC đem về, anh này bị bắn rách nách, và rồi cũng chiếc trực thăng đổ nhầm anh xuống không đúng chỗ khiến anh bị VC bắt, lại đến để đem anh về Saigon. Tải thương CV này xong thì có ngay một Thiếu Tá CV Mỹ khác đổ xuống thay thế, đó là CV thứ 3 trong một trận.
Đêm đó ĐĐ1 của Đại Uý Cấp và Đại Đội 3 của Đại Úy
Thương đụng mạnh. ĐS và Saigon cùng Lâm Đồng Đinh Xuân Lãm ban 3
Tiểu đoàn đã bay thường trực trên không phận suốt từ tối đến sáng
hôm sau để yểm trợ cho ĐĐ1 và ĐĐ3. Đại Úy Tô Văn Cấp và Đại Úy Trần
Văn Thương cho biết là trong đêm đen nhưng thấy ấm lòng. (Mới đầu
năm nay, hôm 15/2/2011 ĐS còn hướng dẫn Thiếu Tướng Tư lệnh đến thăm
Lâm Đồng tại nhà. Lúc ấy anh vẫn vui khoẻ chỉ hơi run tay một chút.
Ấy thế mà cách đây mới 2 ngày Lâm Đồng đã vĩnh biệt gia đình và đồng
đội ra đi khi căn bệnh của anh không có gì nguy hiểm, khiến cả gia
đình lẫn bạn hữu đều sửng sốt, bất ngờ).
Tại mặt trận Bời Lời sáng sớm hôm sau, khi cả Tiểu Đoàn đã xuống nơi
trận tuyến, Trung Tướng Dư Quốc Đống Tư Lệnh QĐ3 đến thăm khi chiến
trường còn vang tiếng súng. Ông đến tận tuyến ĐĐ1 thăm hỏi anh em và
chứng kiến tận mắt xác VC chết ngổn ngang ngay tuyến phòng thủ của
ĐĐ1. Đêm hôm sau vẫn còn đụng lai rai, có thương vong. ĐS vừa cho
đóng quân đêm để anh em nghỉ thì lại nhận được lệnh phải di chuyển
ra khỏi vùng 3 cây số để B52 đánh bom. Tình thế thật là nan giải.
Đại Đội 1 của Đ/U Cấp và ĐĐ.2 của Đ/U Trần Kim Đệ vừa rời tuyến thì
đụng ngay, ĐĐ.1 đã có thương vong. Biết địch bao vây đầy xung quanh,
ra đi theo lệnh thì lọt ổ VC, lại một Bình Giả, Mộ Đức nữa hay sao?
Nhưng không đi mà B52 nó ném bom thì cũng chết, tình thế thật nan
giải. ĐS nghĩ, số chết thì ở cũng chết mà đi cũng chết, thôi thì
nhất chín nhì bù chấp nhận không đi, nằm tại chỗ chờ sáng và báo cáo
lên trên là trở ngại không thể đi được. Thực ra thì trong thâm tâm,
ĐS còn có 2 Cố Vấn trong tay, mà biết rằng B52 không thể thả bom khi
có Cố Vấn trong vùng hành quân. Cố Vấn TĐ.2 thì lo toát mồ hôi khi
biết ĐS quyết định dừng quân. CV liên lạc báo cáo lung tung với CV
cao cấp hơn, cuối cùng, B52 nhường ĐS và di chuyển phi vụ đến một
mục tiêu khác.
Xong trận này TĐ2 về Hậu Cứ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân
tới thăm anh em tại Thủ Đức, có Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ và
Trung Tướng Khang đi cùng. Dịp này TT cũng tặng cho anh em 1 số tiền
để liên hoan (ĐS cũng được 1 bao thơ riêng). Cả một buổi sáng ông
Thiệu đến thăm hỏi từng anh em và cùng anh em vui chơi. Quả là một
dịp đáng ghi nhận vì một vị Tổng Thống mà đến thăm Tiểu Đoàn 2 Trâu
Điên từ sáng đến trưa. Mọi người rất vui vẻ, TT và PTT cười vui nhìn
anh em Trâu Điên lắc Twist. Có tiền, làm tiệc khao quân, lúc nào vui
được thì cứ vui, vì biết đâu ngày mai lại phải lên đường.
Mà đúng thật, chỉ vài tuần sau đầu năm 1969 TĐ2 lại trực chỉ xuống
Cần Thơ, và được trực thăng vận vào U Minh Thượng, còn TĐ3 thì cùng
với Bộ Chỉ huy CĐB của Trung Tá Soạn đi tàu của lực lượng sông ngòi
HQVN vào vùng hành quân.
TĐ2 đổ bộ trực thăng xong lội sình U Minh, đi gần
đến tối, không chạm địch, dừng quân không kiểm soát được kỹ vì rậm
rạp và kinh rạch nên vẫn còn những thành phần VC ẩn núp trong khu
vực. Ban đêm chúng nghe được tiếng Cố Vấn điện đàm trên máy, dò biết
được vị trí và cho vài quả B40 vào khu vực ĐS và CV tạm nghỉ đêm. ĐS
tham nên lãnh riêng 1 mình 1 quả (24 miểng khoảng cỡ 1 inch vào lưng
ĐS nên phải đi ra tàu Bệnh viện Sanctuary của Hải quân Mỹ khẩn cấp.
Nếu chậm một chút thì chắc ngày nay cũng đã đi luôn rồi) còn CV may
không hề gì. Thế là ĐS từ giã TĐ.2, thôi trực tiếp tham chiến cùng
anh em Trâu Điên từ tháng 3-1969 sau 4 năm cùng Trâu Điên lặn lội
khắp 4 vùng chiến thuật, trong thời gian chiến trường sôi động và
khốc liệt trên toàn quốc. Lúc đó Trâu Điên đã có 8 lần đụng độ mạnh
với VC ở :
1- Vùng Côn Thiên,
2-Tam Quan Bồng Sơn,
3- An Lão,
4- Phủ Mỹ,
5- Cai Lậy, kinh Cái Thia
6- Mậu Thân
7- Khiêm Hạnh Tây Ninh.
8- Bời Lời Chiến Khu D.
9-U Minh Thượng.
Tổng cộng 21 năm ở TQLC thì tôi có 9 năm lặn lôi với anh em TĐ2, từ Trưởng Ban 3, ĐĐT rồi đến Tiểu Đoàn Trưởng. Mạng sống như chỉ mành treo chuông, bao nhiêu anh em phục vụ dưới hiệu kỳ Trâu Điên đã hy sinh. Minh, Phúc, Hợp, Chính, Điệp, Mai, Khôi vv... và còn bao nhiêu anh em bị thương làm sao kể hết. ĐS tuy thương trận nặng nhưng sự may mắn không phải là ít thế nên nay vẫn còn sống và còn có dịp gặp lại anh em trong tuổi cao niên nơi xứ lạ quê người.
Chấm dứt 21 năm chinh chiến trong tủi nhục vì
thua trận.
Nỗi buồn này chỉ hết khi thôi không còn hiện diện trên cõi đời này.
Đây là chuyện thật, người thật. Nhân dịp nhận
được món quà vô cùng đặc biệt của người bạn Đồng Minh năm xưa gửi
tặng, ĐS xin chia xẻ với anh em chút kỷ niệm của tấm chân tình giữa
2 người lính già, 1 Mỹ, 1 Việt. Nhớ đâu viết đó, chỉ kể lại cho vơi
nỗi buồn xa quê hương, xa anh em bạn bè đồng đội. Cám ơn anh em.
ĐS
Đầu tháng 1/1969, TĐ2 và TĐ3 thuộc Chiến Đoàn B dưới quyền Trung Tá
Tôn Thất Soạn, Chiến Đoàn Trưởng, nhận lệnh hành quân vùng IV. TĐ2
được trực thăng vận vào vùng U Minh Thượng còn TĐ 3 thì cùng BCH/CĐ
B của Trung Tá Soạn đi tàu của Lực lượng sông ngòi HQVN vào vùng An
Xuyên.
Hôm ấy, ngày 06/1/1969, TĐ2 đổ bộ trực thăng đi gần đến tối không chạm địch nên dừng quân qua đêm. Nơi đó là vùng sình lầy, cây cối thấp, rậm rạp chỉ có vài căn nhà lá rải rác trong khu vực, anh em không kiểm soát được kỹ (bởi rậm rạp và chằng chịt kinh rạch) nên vẫn còn VC ẩn núp trong khu vực. Ban đêm chúng nghe tiếng Cố vấn điện đàm trên máy PRC25, dò biết được vị trí, lẻn đến bắn bừa vài quả B40 vào khu vực ĐS và CV tạm nghỉ đêm rồi bỏ chạy. ĐS nằm trên võng, còn Thiếu Tá John Sheehan, Cố vấn nằm dưới đất. Quả đạn B40 trúng vào cột nhà miểng bắn ra tứ tung, ĐS lãnh nhiều mảnh (24 miểng khoảng cỡ 1 inch vào lưng), con mèo của chủ nhà nằm trên bàn thờ chết tan xác. May mà quả đạn trúng vào cột nhà, nếu bắn trúng người thì đã tan xác không còn tìm thấy đầy đủ. Điều may nữa cho Thiếu Tá Sheehan là ông nằm dưới đất nên không hề hấn gì. (Có lẽ đó là sự công bằng ông Trời đã tính: 2 người ở chung 1 chỗ, 1 người bị thương nặng, 1 người chẳng hề hấn gì để còn lo cho đồng đội. Như chuyện trong gia đình cũng vậy, hai vợ chồng thì chỉ một người đau, còn một người khoẻ để trông nom lẫn nhau, chứ nếu cả 2 cùng bệnh, thì cùng vào BV cả, rồi cũng cùng đi cả thôi!).
Thiếu Tá Cố Vấn Sheehan và TĐ Phó, Thiếu Tá
Nguyễn Kim Đễ cùng anh em trong BCH nỗ lực tối đa tản thương ĐS
ngay. Y tá trên trực thăng nhảy xuống chích vài mũi thuốc rồi khiêng
lên trực thăng. Lúc bấy giờ nửa mê nửa tỉnh, nên ĐS biết là được chở
ra tàu bệnh viện ngoài khơi. Nhưng khi đến tàu và sau đó thì không
còn biết gì nữa. Ngày hôm sau, khi đã được giải phẫu gắp hết mảnh
đạn ra, được băng bó và tỉnh thuốc mê, mở mắt thì thấy mình đang nằm
trong một phòng lạ, chung quanh có vài cô y tá Mỹ, đen có trắng có.
Hỏi ra thì biết là đang trên tàu bệnh viện Sanctuary của Hải quân
Hoa Kỳ. Bác sĩ cho hay ĐS dính tới 24 mảnh, mỗi mảnh khoảng 1 inch!
Trong thời gian ĐS bị thương nằm trên tàu Sanctuary, gia đình không
được thông báo, nên chẳng có ai thăm. Người đầu tiên đến thăm ĐS là
bà Nhạc mẫu của Trung Tá Soạn (nhờ Cố Vấn Chiến đoàn lo phương tiện
cho Bà ra tàu). Khoảng 1 tháng sau thì có Thiếu Tá Nguyễn Đức Ân và
Trung Tá Lê Hữu Định thuộc Bộ Tư Lệnh ra thăm.
Ở nhà gia đình vẫn không hay biết gì là ĐS đã bị
thương, nhiều anh em Trâu Điên ghé thăm nhưng thấy sinh hoạt gia
đình vẫn bình thường, không có dấu hiệu gì là biết chuyện hay lo
lắng nên anh em chỉ hỏi thăm thôi, không ai đề cập gì.
Xuất viện tàu Sanctuary, ĐS được đưa về Tổng Y Viện Cộng Hòa ở Sài
Gòn để dưỡng thương. Trực thăng đáp xuống sân TYV lúc 12 giờ trưa,
băng ca nhấc xuống để ở bãi đáp rồi bay đi. Lúc ấy chắc là các bác
sĩ và y tá đi ăn cơm trưa hết, nên cứ nằm phơi nắng ở sân bay cả
tiếng mà cũng chẳng thấy ai đến đem đi. Bây giờ nghĩ lại mà vẫn thấy
thật buồn cho đời lính tác chiến, lặn lội chiến trường để giữ yên
bình cho người ở hậu phương. Ấy thế nhưng có lẽ đời sống sáng đi tối
về, không chạm mặt với hiểm nguy nên họ coi chuyện những người lính
tác chiến bị thương hay chết cũng chỉ là bình thuờng, và không phải
chuyện của họ. Chỉ làm đến hết giờ là ra khỏi cổng BV còn ai chết
mặc ai!
ĐS nằm ở Tổng Y Viện Cộng Hòa suốt 3 tháng, 4 +5+6/1969 rồi thì xuất
viện về nhà.
Thế là ĐS từ giã thôi trực tiếp tham chiến cùng anh em Trâu Điên sau
9 năm cùng Trâu Điên lặn lội khắp 4 vùng chiến thuật, trong thời
gian chiến trường sôi động và khốc liệt trên toàn quốc (từ TB3, ĐĐT
rồi TĐT 4 năm từ 1966 đến 1969).
Sau đó Thiếu tá John Sheehan về Mỹ, tiếp tục con đường binh nghiệp.
Cấp bậc cuối cùng của ông là Đại Tướng, chức vụ cao nhất là Tư lệnh
Lực lượng quân sự Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Năm 2004 Đại Tướng Sheehan tìm lại được tin tức
ĐS qua MX Thiếu Tá Lê Quang Liễn khi ông bà đi dự đại hội TQLCVN ở
Houston 2004. (Cảm ơn Trâu Điên Lê Quang Liễn). Khi dự ĐH TQLCVN
2004 về, ông Sheehan có thư cho ĐS và nhắc đến vụ mảnh đạn B40 gây
thương tích cho ĐS mà ông cho biết hiện vẫn còn giữ. Ông Sheehan kể
rằng lúc ấy đã thu lượm 1 mảnh B40 tương đối lớn đã gây thương tích
cho ĐS và đem về Mỹ khi hết thời hạn phục vụ tại VN. Mảnh B40 ấy
được lau chùi sạch máu và đất bùn, gắn lên 1 tấm plaque gỗ đánh
bóng, và lúc nào cũng treo nơi văn phòng làm việc của ông để nhớ đến
1 người bạn TQLCVN ở nơi xa xôi mà ông đã cùng chia sẻ hiểm nguy. ĐS
vô cùng cảm động và ngạc nhiên.
Ông Sheehan nói nếu ĐS còn nhớ và muốn thì sẽ gửi tặng ĐS kỷ niệm
này.
Lúc đó gia đình ông đang ở Houston và sắp di chuyển về Virginia, đồ
đạc đã đóng thùng xong hết cả nên không gửi ngay được phải chờ khi
về nơi ở mới ở DC. Về đến DC thì ông lại thường xuyên đi công tác
ngoài Hoa Kỳ nên cũng chưa soạn hết đồ đạc ra. Mãi đến bây giờ ông
mới rảnh để gửi cho ĐS.
Ông tặng cho ĐS kỷ niệm này với lá thư như sau:
JOHN SHEEHAN
Col Dinh,
This RPG belong to you. You fought well and were good leader.
I could not have a better friend to fight alongside.
The RPG is a little dirty but it looks better than it did at 01:30
on January 6th, 1969.
God Bless and Semper Fi!
Jack Sheehan
Gen USMC
Một vị Đại Tướng TQLC Hoa Kỳ, từng có lúc đã nắm quyền chỉ huy cả 1
lực lượng quân sự khổng lồ của khối NATO mà vẫn có những lời lẽ hết
sức chân tình cùng người có lúc là đồng đội, chung vai sát cánh sống
chết có nhau, và cách xa nhau đã 42 năm! Điều này làm ĐS suy nghĩ vô
cùng. Giả sử như có là Cố vấn cho một quân đội nhỏ bé hơn mình như
Miên, Lào chẳng hạn, nếu ở trường hợp này thì ĐS nghĩ là mình không
chắc đã làm được như ông Sheehan đã làm đối với ĐS. (Cũng có thể
trong hàng ngũ anh em TQLCVN có người làm được chuyện ấy không
chừng).
Nay thì ông Sheehan sắp thật sự về hưu (mà ông nói là lần thứ 3) và
ông dự tính sẽ cùng gia đình đi San Jose thăm ĐS như ông bà đã hứa
năm 2004.
Thật vô cùng quý hóa tình chiến đấu của 1 người lính TQLC không phân biệt màu da, chủng tộc.
Đây là kể chuyện kỷ niệm buồn vui đời lính trận cho anh em nghe, chứ không phải "đánh bóng mạ kền" gì đâu. Mà giá bây giờ có muốn đánh bóng cũng không được, vì cái lưng ăn miểng B40 như cánh rừng bị B52 trải thảm cày nát bét rồi làm sao mà đánh bóng được?
ĐS
471 của tôi, Đại đội C của tôi
Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời
Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ
Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN
Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng
ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202
Dấu chân người lính Pháo Thủ MX
Một thời để yêu, một thời để nhớ
Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương
Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng
471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi
Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972
Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN
Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị
Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969
Trại Thanh Cầm và dòng sông Mã
Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC