Page 96 - Dac San Song Than 2023
P. 96
TỔNG HỘI THỦY QUÂN LỤC CHIẾN VIET NAM
TỔNG HỘI THỦY QUÂN LỤC CHIẾN VIỆT NAM
Cuộc tái chiếm Quảng Trị là một cuộc chiến kinh hoàng nhất và tổn thất nhiều nhất cho cả hai
bên trong chiến-tranh VN.” (**)
Những hy sinh xương máu khốc liệt của các chiến hữu có lẽ không bao giờ ngưng đau xót
trong lòng mỗi người đã từng tham chiến tại Quảng Trị, dù chiến thắng đó cũng là niềm tự hào
và đem lại nhiều vinh dự cho họ. Bên cạnh các sĩ quan của các đơn vị bạn, tám sĩ quan của TQLC
đã được đặc cách thăng cấp tại mặt trận ngày 20 tháng 9 năm 1972 trong một buổi lễ trọng thể
do Tổng Thống VNCH chủ toạ để tưởng thưởng tất cả các binh chủng đã góp phần vào chiến
thắng. Hôm đó, Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH đã gắn lon Thiếu Tá trên ngực áo
chú Long Hồ.
Sau đó, chúng tôi quay lại với đề tài giúp đỡ các thương binh. Chú Long Hồ kể rằng chú vẫn
thường xuyên điện thoại thăm hỏi các thương binh ở Việt Nam và tìm mọi cách để giúp đỡ họ.
Trong số đó có một người cụt một chân và mù cả hai mắt. Giọng chú đầy bùi ngùi, thương cảm,
“Chú có hỏi chuyện vợ con, nhưng chú em nói, ‘Em tật nguyền như vầy từ năm mười chín tuổi, ai
mà lấy, anh?’ ” Chú ngưng lời, trầm ngâm trong một khoảnh khắc. Chỉ một vài giây thôi, nhưng
cũng đủ cho tôi thấy rằng tình cảm của chú với các đồng đội kém may mắn vẫn sâu đậm như
những ngày cùng sống chết năm xưa.
Tôi khẩn khoản, “Trong mấy năm nay, chú đạt được rất nhiều thành quả trong việc giúp đỡ
các thương binh. Cháu mong chú tiếp tục làm Tổng Hội Trưởng để các chú thương binh tiếp tục
được nhờ.”
Chú Long Hồ lắc đầu, “Vì có dịch Covid-19 nên chú đã làm Tổng Hội Trưởng đến bốn năm
rồi. Có nhiều người cũng muốn chú làm tiếp, họ gởi tin nhắn rồi gọi điện thuyết phục, nhưng chú
cũng thấy vừa đủ rồi. Với lại, chú nghĩ chuyện gì dính đến tiền bạc thì không nên làm quá lâu…”
Tôi còn cố nói thêm vài lời nữa, nhưng chú Long Hồ mỉm cười, “Chú quan niệm việc phục vụ
cho Tổng Hội là ‘luân phiên, luân nhiệm’. Chú vẫn còn ở đây, sẵn sàng hỗ trợ người kế tiếp, cũng
như các vị Tổng Hội Trưởng đi trước đã giúp chú. Mọi công việc về tài chánh đã được sắp vào nề
nếp, cho nên cũng nhẹ nhàng hơn. Chỉ cần hết lòng vì TQLC thì ai cũng làm được. Chú tin là với
người mới, sáng kiến mới, hội sẽ có nhiều thành tựu mới.”
Rồi để chuyển đề tài, chú Long Hồ mời chúng tôi đi ăn trưa ở tiệm Phở Danh gần nhà chú.
Vừa bước vào tiệm, chú nhanh nhẹn đưa tay chỉ chiếc bàn ở trong góc. Chỉ là một hành động nhỏ
nhưng dáng vẻ dứt khoát, đầy phong độ của chú làm tôi mường tượng đến ngày xưa ở chiến
trường, lúc chú khoát tay ra lệnh cho lính tiến lên. Rồi tôi cười cho sự liên tưởng của mình vì nhớ
ra rằng trên chiến trường mọi thứ đều vô cùng căng thẳng và gian khổ, chứ không đơn giản như
trong trí tưởng tượng của tôi.
Như để phụ hoạ cho ý nghĩ “chiến trường gian khổ” của tôi, chú Long Hồ nói, “Trên trận mạc,
thật ra là đạn tránh người chứ người không thể tránh đạn. Gần cuối tháng 7/1972, chú đóng
quân ở Quận Triệu Phong, phía Bắc Cổ Thành Quảng Trị. Một hôm, chú đang ngồi trên võng thì
bị pháo của đơn vị bạn bên kia sông bắn lầm. Ba cái máy truyền tin chung quanh chú vỡ nát, hai
bên dây võng đứt, chú ngã lăn xuống đất. Đó là lần đầu tiên chú có cảm giác sợ chết. Chỉ huy của
chú tưởng là chú tiêu rồi!”
Lần đó, trong số người bị thiệt mạng có một vị sĩ quan trẻ sắp thành hôn với một cô giáo. Khi
chú Long Hồ gặp cô dâu chưa kịp cưới đang vô cùng đau khổ đó, cô ấy đã trách móc chú Long
Hồ rất nhiều. Chú Long Hồ lại ngậm ngùi ngừng nói, và nỗi buồn trong mắt chú như ứa ra thành
nước mắt.
Rồi tôi hỏi đến câu chuyện mà tôi muốn nghe từ chú Long Hồ nhất, câu chuyện về lần rút lui
hỗn loạn vào tháng 3, 1975 trên bãi biển thuộc thôn An Dương, tỉnh Thừa Thiên.
“Thưa chú, cháu nghe nói chú đã lên tàu rồi nhưng quay trở lại?”
ĐẶC SAN SÓNG THẦN 2023 TRANG 84