TỔNG HỘI THỦY QUÂN LỤC CHIẾN VIỆT NAM

 

 

MÙA  THU  QUA  THI  CA

                                                                                                                  Lê  Thương

 

        Khí hậu ở Hoa Kỳ thay đổi rõ rệt trong vòng hơn một tháng nay, trời mưa nhiều cùng với những cơn gió lành lạnh bắt đầu thổi về báo hiệu thu sang. Lại một lần nữa mùa thu đang trở về với vạn vật. Lại một lần nữa người Việt ly hương nhìn cảnh mùa thu nơi xứ người mà lòng bồi hồi nhớ đến những mùa thu cũ nơi quê hương mình. Ở Hoa Kỳ, cây cối vào mùa thu thật vô cùng lộng lẫy. Khi mà những ngọn gió thu bắt đầu thổi về thì lá rừng cũng bắt đầu thay đổi màu sắc. Chỉ trong vòng vài ngày, hàng cây xanh bên đường bỗng đổi ra màu vàng óng ánh, rồi cả một khu công viên cũng vàng rực lên. Nhìn lên những vùng đồi núi bao la, trùng trùng điệp điệp cũng vàng lên một màu vàng rực rỡ... Cho đến khi mặt đất trải đầy lá vàng, cây cối trơ cành khẳng khiu báo hiệu Nàng Thu cất bước ra đi nhường chỗ cho một mùa đông lạnh lẻo thê lương. Nhìn cảnh thu nơi xứ người mấy ai trong chúng ta chẳng thấy lòng nao nao nhớ đến những mùa thu cũ năm nào ở quê nhà. Mơ về những mùa thu dĩ vãng, ta chợt bắt gặp nỗi sầu riêng qua những thu khúc buồn nhất, tha thiết nhất.

        Mùa Thu ở Việt Nam ta không rực rỡ như mùa Xuân, không gay gắt, oi bức như mùa Hạ,

không tàn tạ ủ rũ như mùa Đông. Thu Việt Nam nhẹ nhàng, mơ hồ, mênh mông, bảng lảng. Cái

se sẽ lạnh của gió thu, cái trong vắt của nước thu, cái xào xạt của lá thu, cái huyền ảo của trăng thu, cái bảng lảng của trời thu như gieo vào lòng người biết bao nỗi buồn không tên nên đã làm tốn bao nhiêu giấy mực, chữ nghĩa  của các văn nhân, thi sĩ. Người ta phong phú hóa đề tài mùa thu qua lá thu, trăng thu, mây thu, mưa thu, trời thu, ý thu , hồn thu, tình thu... Cho nên đa số các nhà thơ, người nào cũng có mộ ít vần thơ rên rỉ về mùa thu và những giọng rên rỉ của họ đã làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa Việt Nam ta:

        Mở đầu cho tác phẩm “Cung Oán Ngâm Khúc”, Ôn Như Nguyễn Gia Thiều đã dùng “gió vàng”, tức gió thu để báo hiệu thảm trạng cô đơn của nàng cung nữ không còn được nhà vua đoái tưởng. Một giai nhân sắc nước hương trời được nhà vua tuyển vào cung cấm những tưởng duyên may lại gặp vận rủi khiến cuộc đời nàng hoàn toàn bị vây phủ bởi thời gian chán ngán, não nề và không gian với gió vàng hiu hắt:

Trải vách quế  gió vàng hiu hắt,

Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng.

Oán chi những khách tiêu phòng,

Mà xui phận bạc nằm trong má đào!

        Khi ánh nắng gay gắt của mùa hè dịu lại, trên nền trời trong thoáng vài sợi mây nhẹ mơ hồ và gió se sẽ lạnh là báo hiệu thu về. Thu Việt Nam về mơ màng, nhẹ nhàng như nàng thục nữ C

yểu điệu khiến lòng thi nhân cảm thấy bâng khuâng, ngỡ ngàng:

Chao ôi! Thu đã đến rồi sao?

Thu trước vừa qua mới độ nào!

Mới độ nào đây hoa rạn vỡ,

Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao.

                                  (Chế Lan Viên)

        Hoặc nhìn lên nền trời, bỗng dưng bắt gặp những áng mây lang thang lòng tự nhiên thấy buồn buồn nhớ lại buổi chia ly vào mùa thu năm nào mà lòng ngậm ngùi, nuối tiếc. Buổi chia ly năm ấy là cả một trời thu buồn trong cặp mắt giai nhân và trong trái tim thi sĩ:

Hôm nay có phải là thu?

Mây năm xưa đã phiêu du trở về.

Cảm vì em bước chân đi,

Nước nghiêng mắt ngọc lưu ly phớt buồn.

                                              (Đinh Hùng)

        Hay ngồi ở bến đò vào một chiều thu nhạt nắng, trông theo ngọn gió thổi qua rừng làm rơi rụng những chiếc lá mùa thu gợi cho viễn khách một nỗi buồn bâng quơ. Bỗng đâu đây văng vẳng lời ca réo rắt nghe rụng rời cõi lòng ai, nhất là cõi lòng của viễn khách lỡ chuyến đò ngang vào một chiều thu:

Mùa thu đến chậm như chưa đến,

Lá vội rơi theo gió vội vàng.

Sương đã dâng lên chiều lắng xuống,

Bến đò đã tắt chuyến sang ngang.

                                    (Nguyễn Bính)

        Thu âm u, buồn ảm đạm! Những cây liễu đứng đìu hiu như những nàng cung nữ thời xa xưa. Chua xót chất chứa đầy trong tim, nước mắt đã khô cạn bờ mi mà thu cứ dửng dưng không biết lòng người đang mang một tâm sự não nề:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ hàng ngàn.

Đây mùa thu tới, mùa thu tới,

Vá áo mơ phai dệt lá vàng.

                                        (Xuân Diệu)

        Thu mênh mông khắp không gian, thu bảng lảng khắp núi rừng. Chỉ cần một cơn gió thoảng, một đám mây trôi, một chiều lá rụng với nắng vàng hiu hắt cũng đủ gieo vào lòng thi nhân nỗi buồn tỉ tê não nề. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng thở dài của nhà thơ vào một chiều thu:

Bỗng dưng buồn bã không gian,

Mây bay lũng thấp giăng màn âm u.

Nai cao gót lẫn trong mù,

Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.

Sắc trời trôi nhạt dưới khe,

Chim bay, lá rụng cành nghe lạnh lùng.

Sầu thu lên vút song song,

Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu.

Non xanh ngây cả buổi chiều,

Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia.

                                               (Huy Cận)

        Còn trăng thu mờ ảo làm tăng nỗi cô đơn trong lòng chinh phụ:

Em không nghe mùa thu,

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực,

Hình ảnh kẻ chinh phu.

Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu,

Lá thu kêu xào xạc.

Con nai vàng ngơ ngác,

Đạp lê lá vàng khô?

             (Lưu Trọng Lư)

        Thu ở cảnh vật, thu ở thiên nhiên, thu ở ngoài trời nhưng thực ra thu đã ở trong lòng người. Cho nên lòng người cũng rung với gió, mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây:

Suối trời hôm ấy thê lương quá,

Tóc liễu bờm xơm, sóng vỗ hồ.

Mây rối trên trời, cây rối lá,

Giường cô thôn nữ gối chăn xô.

.....................................

Nơi tôi còn ít lá lòng,

Chiều nay rơi nốt vào trong lá rừng.

                                        (Hồ Dzếnh)

        Mây buồn giăng giăng khắp nẻo, trời thu u ám, ảm đạm phủ một màu tang thương. Trong bốn mùa, chỉ có mùa thu mới mang lại cho thi nhân cái thú đau thương nên nhà thơ đã chọn mùa thu để đi thăm mộ người yêu:

Trời cuối thu rồi em ở đâu?

Nằm trong đất lạnh chắc em sầu.

Thu ơi đánh thức hồn ma dậy,

Tôi muốn vào thăm nấm mộ sâu.

                                (Đinh Hùng)

        Cho đến hình ảnh trong bốn câu thơ dưới đây là cả một tâm sự. Mùa thu có gió thu sớm thổi nhẹ như cái nhẹ nhàng của cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa em và tôi. Dù em chưa nói nhưng tôi đã hiểu thầm và hình như em đã thầm nói qua ánh mắt, qua cái nhìn. Cho nên tôi đi lang thang vào những phố không đèn tìm lại dư vị của hương thầm khi mới quen, xem lòng mình và ý người. Tình yêu đến nhẹ nhàng như thế và chỉ có thể đến ở một xứ sở mặn mà tình cảm là quê hương Việt Nam ta:

Từ giã hoàng hôn trong mắt em,

Tôi đi tìm những phố không đèn.

Gió mùa thu sớm bao dư vị,

Của chút hương thầm khi mới quen.

                                     (Đinh Hùng)

        Rồi nhà thơ ngơ ngác đi giữa mùa thu, nghe từng chiếc lá thu rơi mà tâm hồn bàng hoàng

bắt gặp thương nhớ của mùa thu cũ. Mơ về mùa thu dĩ vãng, nhà thơ đưa ta về quá khứ lãng mạn với một trời sầu thương, oan khổ:

Gió đưa xác lá bên đường,

Thu sang nhuộm cả sầu thương một trời.

Sầu thương quyện lấy hồn tôi,

Đêm qua ngồi đọc thơ người xa xăm.

......................................

Chuyện xưa hồ lãng quên rồi,

Bỗng đâu xem được thơ người vườn Thanh.

Bao nhiêu oan khổ vì tình,

Cớ sao giống hệt chuyện mình ngày xưa.

Phải chăng mình có nên ngờ,

Rằng người năm ấy bây giờ là đây?

                                              (Nguyễn Bính)

        Đêm thu, trăng thu mơ màng, gió thu lãng mạn. Gió trăng hòa hợp quyến luyến quyện lấy nhau, gió chừng như nín thở đỡ vầng trăng lạc giữa trời thu. Gió còn ve vuốt ngàn hoa nội cỏ, gió lê thê trên hè phố phớt nhẹ lên mái tóc thề, gió leo qua cửa sổ sờ sẫm gối chăn:

Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,

Gió thu lọt cửa cọ màn chăn.

 

        Rồi gió khe khẽ lọt phòng the, gió nhè nhẹ hôn lên má người thiếu phụ đang say ngủ giữa đêm khuya khiến nàng giật mình tỉnh giấc, bẽn lẽn thẹn thùng thì thầm than:

Vô tình để gió hôn lên má,

Bẽ lẽn làm sao lúc nửa đêm.

Em sợ lang quân em biết được,

Nghi ngờ cho cái tiết trinh em.

                          (Hàn Mặc Tử)

        Thu về với vạn vật, nhìn những chiếc lá thu từ hàng xóm bay sang khiến người thiếu phụ bỗng sợ thời gian, lo tuổi xuân qua mau mà quên lời hẹn ước cùng ai năm nào:

Trận gió thu phong rụng lá vàng,

Lá bay hàng xóm lá bay sang.

Vàng bay mấy lá năm già nữa,

Hờ hững ai xuôi thiếp phụ chàng.

                                       (Tản Đà)

        Trời thu bảng lảng, mây thu lang thang, trăng thu mơ màng, gió thu nhẹ nhàng sao nỡ để duyên nàng dở dang, bẽ bàng?

Trời thu ảm đạm một màu,

Gió thu hiu hắt thêm sầu cô miên.

Trăng thu bóng ngã bên thềm,

Tình thu ai để duyên em bẽ bàng!

                                 (Tương Phố)

        Suối thơ của nữ sĩ nhẹ nhàng như suối mùa thu, đẹp như một cánh hồng trong vườn hoa văn học!

        Kẻ phụ người yêu, kẻ duyên bẽ bàng. Bể ái ân ngàn trùng không tát cạn. Họ là ngững kẻ đang lặn ngụp trong những lượn sóng tình mà tâm tư bầm dập, ngổn ngang. Ôi trần gian sao nhiều đau khổ. Vào đêm thu, bầu trời trong vắt, trăng sao vằng vặc, Chị Hằng đương lom khom dòm xuống trần gian nhiều khổ đau mà lòng nao nao, xao xuyến... bỗng có tiếng thở than chán ngán từ trần thế vọng về:

Cuối thu sen nát lòng dâu bể,

Ngày muộn chuông đau chuyện đá vàng.

Chán ngán ân tình sầu chất ngất,

Già theo nhân thế hận man man.

                                            (Thanh Tâm)

        Chưa hết! Cái oan khổ vì tình chưa hết! Đây, ta hãy lắng nghe cuộc tình của T.T.Kh.

Cuộc tình của nữ sĩ cũng bắt nguồn từ một mùa thu qua bài thơ có cái tiêu đề ngồ ngộ:

“Hai Sắc Hoa Ti-Gôn”. Nhưng đằng sau cái ngồ ngộ đó chất chứa cả một khối tình đầy những

 giọt lệ mùa thu:

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn,

Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn.

Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc.

Tôi chờ người đến với yêu đương...

Rồi:

... Tôi nhớ lời người đã bảo tôi,

Một mùa thu trước rất xa xôi.

Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,

Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi.

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ.

Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu,

Gió về lạnh lẽo chân mây vắng.

Người ấy bên sông đứng ngóng đò.

Nếu biết rằng tôi đã có chồng,

Trời ơi! Người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ,

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?

Và:

... Anh ạ! Tháng ngày xa quá nhỉ,

Một mùa thu trước, một lòng đau...

        Bởi vậy, tình, nhìn từ xa như là hạt kim cương lóng lánh với muôn màu sắc quyến rũ nhưng khi đến gần chỉ là những giọt nước mắt. Thế nhưng văn thi sĩ vốn là những kẻ đa sầu, đa cảm, đa tình, đa tứ lại cứ thích đi tìm những giọt nước mắt qua tình yêu, thích ca tụng tình yêu dang dở, thứ tình không còn giọt nước mắt để khóc hay tình đã giết chết con tim!

 

                                                                                                      Lê Thương

                                                                                        Richmond -Virginia – Thu 2009

 
 
 
 



Mọi tin tức, bài vở  muốn đăng trên website TQLC/VN xin email:
  bixitrum@yahoo.com