TỔNG HỘI THỦY QUÂN LỤC CHIẾN VIỆT NAM

 

 

Cháu Oanh.

 

(Gia đình, dòng họ tôi có 5 người phục vụ trong binh chủng TQLCVN. Trừ một anh lớn T/S 1 Trần Văn Tường phục vụ ở Ban quân nhạc, còn lại thì ở các Tiểu Đoàn tác chiến, ba người bị thương trong đó có tôi, và 1 người anh rể tử thương, nhân 35 năm kể từ ngày Miền Nam sụp đổ, tôi viết giới thiệu về gia đình cô nhi, quả phụ, tử sĩ TQLC Nguyễn Văn Phím.)  

   Ở đời, chỉ cần một biến cố nho nhỏ đến với mình thôi. Dù rất nhỏ, cũng đã đủ biến đổi cuộc đời của một con người, đang từ một cuộc sống êm đềm, lặng lẽ, trở thành sóng gió, bão bùng ngay. Thế mà ở Oanh, với tấm thân bé nhỏ, yếu đuối đã hứng trọn những biến cố rất lớn trong đời, ngay từ khi còn rất nhỏ. Để những ngày ấu thơ, Oanh đã không được hưởng những tháng ngày thơ dại êm đềm, ấm cúng đầy mộng mơ, trong vòng tay thương yêu, trìu mến của gia đình.  

Đang sống trong gia đình đông đủ, có ông bà, cha mẹ, cô, chú, dì, cậu, nội, ngoại đề huề. Thế mà chỉ vỏn vẹn trong vòng có mấy năm, nhiều biến cố dồn dập đổ xuống đầu Oanh. Cứ y như là người ta hành tội một đứa trẻ quá ngỗ nghịch, bằng cách đánh hội đồng. Người này chưa buông ra thì người khác đã nắm lấy mà đánh tới tấp.  

Khởi đầu là người bác, anh ruột của mẹ Oanh chết trận. Từ vùng ven đô Tiểu Khu Gia Định, trong một trận đánh nào đó. Đưa xác bác về chôn cất ở quê ngoại, nơi gia đình Oanh ở, chưa được bao lâu, thì biến cố thứ hai to lớn hơn đối với Oanh là tin Ba tử trận. Thế là đời Oanh quẹo sang một khúc quanh khác để...  

Thật không thể ngờ được! Bé Oanh lại có thể trở thành người côi cút, cô độc! Đành rằng cha bé, anh Nguyễn Văn Phím một chiến sĩ TQLC tử trận năm 1972 tại Quảng Trị, nhưng bé còn mẹ, chị Nguyễn Thị Hai và hai em. Sống trong sự thương yêu đùm bọc của bà nội và ông bà ngoại. Lúc ba mất, bé còn bé lắm, mới có năm tuổi đầu, tuổi mà bé chưa biết gì về cuộc đời rồi sẽ ra làm sao? Cứ tưởng như ba đi vắng đâu đó, như ba vẫn từng đi lâu nay. Nên chẳng một chút tư lự gì, vì thế bé vẫn hồn nhiên vui sống.  

Ngày tháng êm đềm trôi, hàng ngày, bé vẫn cùng các em vui đùa, nghịch ngợm. Má thì vừa phụ giúp ông ngoại làm nghề rèn, vừa trông nom chị em bé. Trong khi bà ngoại lo nấu nướng, vừa phụ coi các cháu. Cuộc sống tuy không khá giả gì nhưng cũng không đến nỗi nào tệ lắm, êm đềm và hạnh phúc. Cho đến một ngày, một ngày mà không những cháu Oanh mà toàn thể nhân dân miền Nam Việt Nam không thể nào quên được.  Đó là những ngày của Tháng Tư Năm 1975. Ngày đánh dấu sự đổi thay, đã đưa đẩy, hất tung nhiều gia đình bay đi nhiều ngã rẽ, trong đó có gia đình Oanh.  

Chiến tranh, nói đến chiến tranh thì xin thú thật, mặc dù sống ở đất nước đang phải khốn đốn về nó. Về cuộc chiến khốn kiếp đã cướp đi người chồng thân yêu của chị, nhưng chị Hai không thể ngờ rằng là: Có lúc chị và gia đình lại có thể trực tiếp phải đối diện, sợ hãi, và trốn chạy nó. Vì rằng, khu chị ở là Bùi Chu, Hố Nai, nơi mà mấy mươi năm của cuộc chiến, chưa hề có những trận đánh nào kề cận. Kể cả những ngày nóng bỏng nhất ở miền Nam, như Mùa Hè Đỏ Lửa hay Tết Mậu Thân. Nơi mà hầu như an bình nhất, an toàn nhất, để cho các nơi khác chạy về đây lánh nạn. Thế mà giờ này, cuộc chiến đang đến, đang từ từ bò đến nơi này.  

Khi chiến cuộc ập về tới Xuân Lộc, Long Khánh. Dân cư sợ chiến tranh, họ đành bỏ gia tài, sự nghiệp. Bỏ cả, để lo tìm về nơi an toàn cho bản thân và gia đình nên họ ra đi. Trước nhà chị quốc lộ 1 đầy người. Họ đi bộ hay đi trên những chiếc xe đủ mọi loại, từ xe đạp, xe thồ, xe bò, xe máy cầy, máy xới, xe lam, xe đò, xe tải, xe lớn, xe nhỏ ôi thôi! Đủ cỡ, đủ kiểu, nó phụ giúp con người mang vác những thứ mà họ không thể mang được. Nó chở đồ đạc, súc vật, và cả con người, nườm nượp kéo qua suốt ngày đêm. Với nét mặt hoang mang, hoảng sợ, dáng vẻ bơ phờ mệt mỏi. Từ những vùng xa xôi, và cũng cả những nơi gần đây nữa. Mệt thì họ ngừng lại đâu đó để nghỉ ngơi, nấu nướng, tắm giặt, ăn uống nhờ nhà của cư dân tốt bụng, sống dọc hai bên đường mà họ đi qua. Rồi nghe ngóng, tìm tin tức của thân nhân, bạn bè chưa tới, bình luận thời sự, chiến sự, suy đoán, dự phóng cho những ngày sắp tới, rồi lại bỏ đi.  

Với sự suy nghĩ đơn giản của mình, chị nghĩ: “Ở đây mà cũng mất, thì đâu còn nơi nào mà chạy đến!’’ Vì Hố Nai cách Sài Gòn có bao xa? Nhưng vì lo sợ mình không đủ sức bồng bế một lúc 3 con thơ dại, cùng cha mẹ già đi di tản. Để cho chắc chắn, chị Hai, mẹ bé Oanh đã đưa Oanh và Tuấn về bên nội các cháu ở đường Lý Thái Tổ, cạnh nhà thờ Bắc Hà, Sài Gòn, gửi cho bà Nội trông coi dùm ít bữa. Còn lại mình, chị nghĩ có thể bế thằng út cùng dìu dắt ba má chạy khỏi nhà, nếu như tình hình sẽ xấu hơn và bắt buộc gia đình chị phải rời bỏ nhà. Lúc đó, chị em Oanh đâu biết, đó cũng là ngày cuối cùng, trước khi mẹ con và ông bà vĩnh biệt nhau!!! Vì đâu chỉ cách có mấy ngày sau, chiến cuộc cũng bò về tới Hố Nai nơi mà gia đình Oanh ở.  

Nghe kể lại, vào phút cuối, ngày 28-4 mọi người trong làng, trong xóm bỏ đi hết, láng giềng chẳng còn một ai, đường xá đã thưa thớt người, vắng tanh, vắng ngắt. Chỉ còn lại một vài tốp lính, đang lo làm nhiệm vụ chiến đấu. Thế cho nên gia đình gồm ông, bà, má Oanh đành phải theo mọi người cùng bỏ nhà mà đi. Trong cơn hoảng loạn, tiếng đạn bom bủa rít khắp nơi. Làng xóm điêu tàn hoang vắng, cảnh tang tóc thê lương lởn vởn khắp vùng. Cái nắng Tháng Tư rực lửa, phụ thêm khói bom đạn bao phủ bầu trời âm âm vàng rực đe dọa. Nóng hừng hực, nóng như muốn cháy da, chảy mỡ, nhìn đường hơi nóng bốc lên, sợ đến hoa cả mắt. Những con chó hoang, sợ tiếng súng đạn, chạy rông ngoài đường, tru chéo lên, càng làm cho cảnh vật đã thê lương, càng tăng thêm vẻ tang thương, hoảng loạn. Mọi người đều vội vã, chị Hai cũng chẳng thong thả gì, hơn nữa chị còn phải lo giúp cha thì già, mẹ lại yếu chân. Chị nghĩ không biết có đưa nổi gia đình ra khỏi vùng tử địa, thoát ra khỏi cảnh địa ngục này không?  

 Mới đi khỏi nhà được một đoạn, dưới cái nóng như thiêu đốt, lại mang vác cồng kềnh, mồ hôi vã ra như có ai mang nước xối vào người, chị vừa bế con, vừa cố dìu mẹ bước những bước khó nhọc, lòng hoang mang, hoảng sợ. Thầm trách mình không lo chạy sớm, để đến bây giờ ra nông nỗi này. Trong khi đó, cha chị gánh chút gia tài khiêm nhường, trên đôi vai gầy gò ốm yếu. Đúng trong cơn thất vọng cùng cực đó thì may mắn thay, có một chiếc xe tải chạy đến và người tài xế tốt bụng ngừng lại, cho mọi người cùng lên. Chạy được mấy cây số, khi mọi người còn đang khấp khởi mừng thầm vì sự may mắn đã đến với mình, họ mong sao cho mau chóng đến được nơi an bình ngoài vòng lửa đạn. Chứ đâu có ai hay biết gì về chiếc xe đang chở họ, mà họ cho là do may mắn mà họ gặp được, lại là chiếc xe do tử thần phái đến để rước họ về bên kia thế giới. Vì khi xe chạy đến dốc Thái Bình, Ngọc Đồng, Văn Côi, Hố Nai. Nơi mà đã được chọn để đặt mìn chống chiến xa, hầu làm chậm lại cuộc tấn công của đối phương. Do không biết và cũng vì vội vã, tài xế đã không kịp ngừng lại, tránh mìn. Chiếc xe đã cán, không phải một mà nhiều trái mìn, nên bị nổ tung cháy rụi, do đó mà ông bà, má và em Oanh đã vĩnh viễn đi về cùng cát bụi. Đó là ngày 28-4-75.  

Cũng phải mất đến hai tuần sau Oanh mới biết được tin. Khi chiến cuộc kết thúc, mọi người đã lục tục kéo nhau về lại nhà cũ, Oanh và em mong mãi mà không thấy mẹ đến đón về. Cháu cứ sụt sùi khóc suốt ngày. Miệng không ngớt lải nhải hỏi bà nội mẹ con đâu? Sao lâu quá không thấy mẹ con đến đón. Sốt ruột bà nội về Hố Nai coi thì ông bà ngoại, mẹ và em vẫn chưa trở về. Hỏi ra kẻ nói thế này, người kể nẻo khác, cuối cùng mới vỡ lẽ ra là ông bà, mẹ và em đã cùng đi trên chiếc xe định mệnh kể ở trên, và không bao giờ trở về với chị em Oanh nữa! Chị em Oanh nhớ mẹ, nhớ em, nhớ ông bà khóc mãi, khóc mãi, khiến bà nội và những người biết chuyện, đều thương cảm cho cảnh ngộ của các cháu, làm cho ai cũng phải đổ lệ xót thương. Tội nghiệp các cháu mồ côi, bà nội càng ra sức thương yêu, dỗ dành, chiều chuộng các cháu nhiều hơn. Do đó, ngày tháng cũng từ từ qua, trong sự nguôi ngoai thương nhớ gia đình chị em Oanh.

Thời thế đổi thay, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Vì chính quyền mới không chịu trách nhiệm gì về những người cũ làm cho đời sống đảo lộn, mọi sinh hoạt không còn giữ được nề nếp như xưa cũ nữa!! Mọi nguồn trợ cấp của chính quyền cũ, cho gia đình cô nhi, tổ phụ của gia đình bà nội, đã bị chính quyền mới cúp mất, giờ không còn. Lại thêm chính quyền mới quản lý chặt chẽ mọi mặt, nên đời sống thiếu hụt mọi bề. Khó khăn chồng chất khó khăn, bà nội Oanh, ngày càng già đi nhanh hơn thấy rõ, vì lo đối phó với cuộc sống thiếu thốn mọi mặt. Nuôi thân bây giờ đã khó, lại còn phải lo thêm cho hai đứa cháu mồ côi.  

Bà đã tính đưa hai chị em Oanh về Hố Nai, nơi có đông bà con họ hàng bên ngoại của cháu, xem có ai có khả năng nuôi dưỡng được các cháu hay không? Lại nữa, còn căn nhà và bao nhiêu đồ đạc mà ông bà ngoại và mẹ Oanh đã đổ biết bao mồ hôi và tiền của mới tạo dựng được. Liệu có ai trông coi dùm hay lại để người ta hiểu lầm là nhà không có chủ? Người ta lại lấy đi, phá đi thì thật là bất hạnh cho các cháu! Nhưng khi về Hố Nai xem xét tình hình, bà thấy khó có ai có thể giúp bà trong việc trông coi các cháu cho được. Còn căn nhà và tài sản? Thì cũng may, có người cháu họ của ông bà ngoại Oanh đi lính chạy về. Không có nhà cửa, lại là trưởng tộc xin vào ở nhờ cùng trông coi hộ cho các cháu, cùng với một gia đình người em nữa. Mà nếu như không có hai bác đấy, trong họ cũng còn nhiều người có thể trông coi dùm. Không sợ mất nhà, mất đồ đạc của các cháu bà được. Bà nghĩ: Thôi thế cũng được, vậy là bà đã yên trí được một phần, sau này các cháu bà khôn lớn, không ở thì bán đi làm vốn làm ăn. Không lẽ các bác lại cướp luôn cả của đưá cháu mồ côi hay sao? Giờ bán đi cũng có tí vốn đấy, nhưng các bác ấy đang trong lúc khó khăn, lại con cái đùm đề biết sống vào đâu đây? (Thôi cứ để đấy, coi như đất hương hỏa của các cháu sau này).  

Nghĩ được thế nên bà an tâm lắm. Giờ chỉ còn lo sao để có thể nuôi cho hai cháu lớn khôn lên thôi. Thế là bà phải bày ra công việc để làm mà mưu sinh. Với tí vốn liếng còm cõi, bà mở một nồi bún bán ngay tại nhà, bán cho bà con chòm xóm ăn mỗi buổi sáng. Nhờ trời, và cũng nhờ khéo nấu, được bà con trong xóm và các vùng lân cận thương mến chiếu cố, nên bà cháu Oanh cũng lây lất sống qua được những gian truân buổi giao thời.  

Nhìn các cháu bà luôn thương hại tội nghiệp. Người ta mất cha cũng còn có mẹ, đàng này.. Mới chạnh nghĩ đến đây là cổ họng bà như có một cục gì đó chặn ngang, tắc nghẹn, làm bà nấc lên, nước mắt tự trào ra khiến bà sợ, bà không dám nghĩ ngợi tiếp, vì bà sợ rồi chính bà cũng chẳng cầm nổi lòng mình, về nỗi cám cảnh éo le bi thảm của gia đình, mà bật khóc nức nở, làm các cháu buồn hơn và lại khóc theo thì khốn. Thế nên bà lo kiếm ba công chuyện vớ vẩn trong nhà mà làm cho nguôi ngoai. Nhưng những lúc đêm về, với giấc ngủ chậm đến ở người già. Nằm trằn trọc mãi, bà chẳng sao có thể xua đuổi được những ý nghĩ chua xót của cuộc sống thực tế phũ phàng mà bà đang phải đối diện. Bà lặng lẽ âm thầm khóc thương cho mình và cho các cháu. Đôi khi bà cũng còn nhận đuợc chút an ủi là các cháu cũng may mắn còn hai đứa, mai này khôn lớn dựa dẫm, an ủi lẫn nhau, khi bà không còn nữa. Nghĩ thế nên bà cũng cảm thấy nhẹ nhõm đôi phần.  

Rồi các cháu cũng đến tuổi cắp sách đến trường. Đói no gì bà cũng có thể chịu được, nhưng để các cháu không được đi học thì bà không chịu, nên bằng mọi cách, bà lo cho các cháu được đi học như con người ta bình thường. Oanh buổi sáng, còn em Tuấn buổi chiều. Hai chị em hai lớp, học xong về nhà học bài, ở nhà chơi, chờ xem bà có sai bảo, nhờ vả gì không? Được cái, nhờ trời thương, các cháu cũng ngoan ngoãn, dễ bảo, nên bà cũng cảm thấy an tâm. Ngày ngày, bà cháu quấn quýt bên nhau, nghe các cháu ríu rít, líu lo kể về chuyện chơi đùa, chuyện học hành, bà cũng cảm thấy vui. Hôm qua con Oanh đi học về hí hửng khoe với bà:

 -“Bà ơi tuần này lớp con đăng ký thi đua làm kế hoạch nhỏ.’’  

-“Kế hoạch nhỏ là kế hoạch gì?’’ Bà hỏi lại Oanh trong khi đang làm công việc vặt trong nhà.  

-“Là lớp con đi lượm lặt giấy vụn, bao nylon, sắt thép vụn vặt cho nhà trường.’’  

Oanh thưa, nghe thế bà lại hỏi:  

-“Để làm gì hả cháu?’’  

-“Để đóng góp với đội Thiếu Niên Tiền Phong bán lấy tiền đóng một con tầu chở các cháu đi thăm miền Bắc.’’ Oanh thưa.  

Nghe cháu kể thế, bà nội đâm lo. Với kinh nghiệm mà bà đã từng sống, bà không dám nói ra ý nghĩ của bà. Nhưng làm sao mà ba tờ giấy vụn mà có thể đóng được con tàu đây? Bà nghĩ: (khốn nạn thật, họ lừa cả lũ trẻ, học không lo học, lại lo đi kế hoạch lớn với kế hoạch nhỏ, rồi đây cháu bà lại phải giang nắng, giang nôi mất thôi, khổ quá). Kể từ lúc đó, bà thấy Oanh lo lượm lặt mọi thứ trong nhà, từ tờ giấy vụn, cái bao nylon cũ, cái lon sữa bò bẹp, cái chai, cái lọ, cái nồi nhôm thủng, cái nắp vung méo, rồi dồn cả vô bao để mai mang đi học. Hết trong nhà, các cháu lại ra đường, ra phố để lượm. Hết cá nhân lại đến tập thể, rồi cả thầy cô giáo cùng tham gia. Thế là thay vì đi dậy học, thầy cô lại dắt díu đám học trò đi nhặt phế liệu.  

Ngoài đường phố lúc đó, cứ từng tốp, từng tốp học sinh nhỏ, được các thầy cô hướng dẫn, đi lôi kéo, khuân vác những thứ gì mà người ta vất bỏ lại bên lề đường, kể cả vũ khí và xe cộ. Chẳng riêng gì Oanh cháu bà, mà tất cả trẻ trong khu phố đều phải làm như vậy cả. Bà nghĩ: (cứ cái đà này chẳng bao lâu, nhà trường sẽ biến thành bãi rác phế liệu mất!!!) Sau những lần tham gia như vậy, về đến nhà bà thấy Oanh mặt mũi đỏ gay, đen nhẻm, không khéo còn bị cảm nắng nữa chứ, rõ khổ!! Nhưng bà chẳng làm gì được để giúp cháu.  

Hết lớp này, lại đến lớp khác. Nhỏ như lớp của thằng Tuấn cũng không thoát khỏi. Mới mấy tuổi đầu thì biết gì mà cũng bắt kế hoạch lớn, kế hoạch nhỏ? Và mọi việc được lặp lại y như chị nó đã làm vậy.  

Một hôm, đưa thằng Tuấn đi học. Hôm nay lớp Tuấn đi làm kế hoạch nhỏ. Bà đã cẩn thận lo mặc quần dài, áo dài tay, và mũ rộng vành cho cháu. Cái thằng rõ ương! Bảo nó đội cái nón cho nó đỡ nắng, nó sợ bạn bè trêu nên không chịu, nói mãi nó mới chịu đội cái mũ rộng vành. Dắt đến sân trường, bà dặn dò cháu cẩn thận rồi mới ra về.  

Ngang qua nhà thờ như thường lệ, bà ghé lại vào quỳ gối đọc kinh cầu nguyện thêm mấy phút. Về đến nhà, bà đang định đi nằm nghỉ trưa một tí thì nghe có tiếng nổ ở đâu đây. Như đâu mãi bên phía đường Trần Quốc Toản thì phải! Không dám tin vào tai mình. Cháu Oanh thì đang ngồi ở bàn học, bà hỏi:

-“Cháu có nghe thấy gì không hả Oanh?’’

Oanh đáp:  

-“Hình như có tiếng nổ ấy bà ạ.’’  

 Tự nhiên bà đâm lo. Quái! Sao hôm nay bà thấy lòng không được yên, linh tính báo như có điềm gì không lành đang đến với bà. Nghĩ thế nhưng bà chẳng dám nói ra. Bà nghĩ: Chắc do mình lo nghĩ nhiều quá nên nó ám ảnh vậy thôi, chứ nào có chuyện gì. Ai dè, chừng năm phút sau, có người chạy đến báo tin Tuấn bị thương vì bom nổ. Nghe tin bà chẳng còn hồn vía gì nữa. Hỏi cháu tôi giờ ở đâu? Người đưa tin cho biết là họ đã đưa cháu vào bịnh viện Nhi Đồng gần đấy.  

Chỉ kịp dặn dò Oanh mấy câu ở nhà coi nhà, rồi nhờ mấy người hàng xóm trông chừng nhà, bà hớt hải chạy sang bịnh viện. Nhìn thấy cháu thương tích đầy mình, bà oà khóc, kể lể hoàn cảnh cháu. Mọi người có mặt ai nghe qua cũng xót xa, thương cảm. Thầy giáo chủ nhiệm lớp Tuấn nhìn bà ái ngại, lúc sau chờ cho bà bớt xúc động mới từ từ lên tiếng kể lại: Lớp Tuấn đang dọn một chiếc xe hơi phế thải bên đường để lấy sắt vụn. Một đứa thấy trái đạn, không biết là nguy hiểm cầm giục ra ngoài. Thế là trái đạn nổ làm mấy em bị thương. Cũng may là Tuấn không đến nỗi nào nặng lắm, mặc dù bị nhiều mảnh đạn, nhưng chúng đều nằm ở những phần mềm. Thế mà cũng phải mất hơn tuần lễ nằm bịnh viện Tuấn mới tạm bình phục và trở về nhà được. 

Tưởng thế là đã thoát nạn. Nào ngờ hai tuần sau Tuấn bị sốt, người co giật. Chở vội vào bịnh viện, bác sĩ chẩn đoán cháu bị bịnh phong đòn gánh. Vì khi bị thương, bịnh viện điều trị tắc trách, đã không chích ngừa cho cháu, họ đưa cháu vào bịnh viện Chợ Quán chữa trị, nhưng không còn kịp nữa. Gần tuần lễ sau, Tuấn qua đời!!!  

Tưởng chẳng còn bút mực nào có thể tả nổi hết nỗi đau đớn của bà. Oanh cũng buồn lắm, cứ khóc hoài vì thương nhớ em, nhưng cũng chỉ biết đến thế mà thôi. Chẳng biết gì hơn, để trách trời cao, khéo gây cảnh tang thương tan tác, khiến cho gia đình đang đông đúc, yên vui, đầm ấm. Vậy mà chỉ có mấy tháng trời bỗng chốc tan hoang, chia lìa, ra đi hết, chỉ mình Oanh còn lại, trơ trọi giữa đời!!  

Nếu như không có bà nội lo lắng, cáng đáng mọi sự, không biết đời Oanh sẽ đi về đâu? Vì lúc bấy giờ cả đến sự đi lại cũng trăm bề khó khăn, do đó mà bà tự lo hết, chẳng báo cho bên ngoại cháu biết, nên chẳng một ai giúp bà một tay trong việc của các cháu.  

Oanh thương mến, cậu viết lại những dòng chữ này, chắc là cháu không biết có đọc được không? Vì cậu cháu mình đã lâu lắm rồi không gặp được nhau, nhưng cậu cứ viết. Vì cháu có biết rằng, giờ cháu là người duy nhất còn lại trong một chi của dòng tộc Trần Gia Thoại hay không? Mặc dù là bên ngoại, mọi người trong dòng họ đều thương mến cháu. Bà nội cháu là người nhân hậu, chí tình, chí nghĩa. Cháu có nhớ không? Những ngày còn nhỏ, để cháu không quên nguồn cội. Hàng năm cứ vào ngày lễ các linh hồn. Thế nào bà cũng đưa cháu về Hố Nai thăm mộ ba cháu, nhân thể ghé thăm gia đình bà con bên ngoại cháu luôn.  

Nghĩa cử của bà nội cháu, giúp cho mối dây liên hệ gia tộc giữa cháu với bên ngoại luôn được bền vững. Nhờ vậy mà mọi người bên ngoại ai cũng vẫn nhớ đến cháu. Có lần bác Ký đã muốn bảo lãnh cháu qua Hòa Lan, nhưng cậu nói cháu có chồng ở Mỹ và cháu sẽ đi Mỹ, nên bác cũng mừng cho cháu, và thôi không làm bảo lãnh nữa. Có một lần cháu có gửi cho cậu tấm hình cháu đi Đà Lạt chơi khi chồng cháu ở Mỹ về, hai cháu vui vẻ đi chơi cùng nhau, nhìn hình thấy cháu hạnh phúc, cậu rất vui. Cậu mong rằng cuối quãng đời còn lại, cháu có được một cuộc sống nhiều hạnh phúc hơn, vì những ngày thơ dại của cháu đã đầy bất hạnh mà cậu tưởng chừng như cháu đã không thể nào chịu đựng nổi trong tấm thân mảnh mai, bé nhỏ ấy. Chắc là cháu đã được mọi người thân đã khuất của cháu nâng đỡ, phù hộ cách riêng, để cháu có nghị lực mà sống. Riêng cậu lúc nào cũng nhớ đến cháu, người cháu đơn côi./.  

Melbourne, Viết nhân dịp Tháng Tư Đen.

 Trần Văn Minh

 

 

       

 
 



Mọi tin tức, bài vở  muốn đăng trên website TQLC/VN xin email:
  bixitrum@yahoo.com